Chuyển nhượng văn phòng công chứng lần đầu tiên được quy định tại Luật Công chứng số: 53/2014/QH13 (Luật công chứng năm 2014). Tuy nhiên, quy định này không phát sinh hiệu lực trên thực tiễn. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích và luận giải sự bất cập của quy định chuyển nhượng văn phòng công chứng trong mối tương quan với quy định thay đổi công chứng viên hợp danh tại văn phòng công chứng.

Ths.  Nguyễn Văn Mích [1]

Tại kỳ họp thứ 10, ngày 29 tháng 11 năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Công chứng số: 82/2006/QH11 (Luật công chứng năm 2006). Đây là đạo luật đầu tiên đánh dấu sự thay đổi về tư duy lập pháp trong lĩnh vực công chứng, công chứng đã được công nhận là một nghề tự do, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công chứng ra đời như một tất yếu. Luật Công chứng năm 2006 đặt nền tảng pháp lý tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam phát triển cả chiều rộng cũng như chiều sâu; đánh dấu bước phát triển mới trong tổ chức và hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật công chứng năm 2006 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý, khó khăn thi hành trong đó có vấn đề mua bán, chuyển nhượng văn phòng công chứng (VPCC). Để giải quyết sự bất cập đó, ngày 20 tháng 6 năm 2014 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Công chứng số: 53/2014/QH13 (Luật công chứng năm 2014) thay thế Luật Công chứng năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Một trong những điểm mới của Luật công chứng năm 2014 so với Luật công chứng năm 2006 là bổ sung quy định về chuyển nhượng VPCC. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, quy định chuyển nhượng VPCC không phát sinh hiệu lực trên thực tế. Dưới đây chúng tối sẽ chỉ ra những bất cập của quy định chuyển nhượng VPCC và một số vấn đề pháp lý có liên quan.

Công ty hợp danh là hình thức pháp lý duy nhất được áp dụng đối với VPCC, VPCC được tổ chức và hoạt động theo Luật Công chứng năm 2014, Luật doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 26 tháng 11 năm 2014 (Luật Doanh nghiệp năm 2014) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Trong tiếng Anh, công ty hợp danh được gọi là “general partnership” hay “simply partnership”; về bản chất, công ty hợp danh là sự liên kết (“hợp”) giữa các thương nhân đơn lẻ để cùng nhau hoạt động dưới một “danh” chung. Công ty hợp danh là điển hình của loại hình công ty đối nhân, được xây dựng dựa trên sự quen biết, tin tưởng giữa các thành viên trong công ty, các thành viên công ty hợp danh liên đới và chịu trách nhiệm vô hạn của đối với mọi nghĩa vụ tài sản trước khách hàng và trái chủ. Trường hợp tài sản của công ty không đủ để trả nợ thì các thành viên hợp danh phải mang tài sản thuộc sở hữu riêng của mình để thực hiện nghĩa vụ của công ty, các thành viên hợp danh được xem như là những người liên đới “bảo lãnh” cho công ty. Nhận định về quan hệ giữa các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, luật gia người Pháp Francis Lemeunier cho rằng “Mối quan hệ giữa các thành viên (nhân thân) giữ một vai trò quyết định tới việc thành lập, hoạt động và giải tán công ty. Chính vì sự liên quan chặt chẽ của các thành viên, nên rất khó để một thành viên của công ty hợp danh có thể rút khỏi công ty sau khi đã chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một bên thứ ba mà không được sự nhất trí của tất cả các thành viên còn lại đối với việc chuyển nhượng này. Ngoài ra, việc một thành viên của công ty hợp danh chết cũng có thể là lý do quan trọng dẫn tới việc công ty bị giải thể. Về nguyên tắc, công ty bị giải thể trong trường hợp một thành viên qua đời” [2].

Khi xác lập giao dịch với công ty hợp danh, các khách hàng cũng như trái chủ thường không mấy quan tâm tới khả năng tài chính của công ty hợp danh (đặc trưng pháp lý của công ty hợp danh là không có sự tách bạch về tài sản giữa chủ sở hữu công ty với công ty) mà họ quan tâm tới sự bảo đảm từ phía các thành viên hợp danh, trách nhiệm liên đới có thể ràng buộc thành viên hợp danh ngay cả khi họ không còn tư cách thành viên hợp danh[3]. Việc mua bán, chuyển nhượng công ty hợp danh xét dưới góc độ quan hệ với khách hàng, với trái chủ của công ty thực chất là việc thay đổi “con nợ dự phòng” (bên bảo lãnh). Đối tượng chuyển nhượng không chỉ giới hạn bởi những tài sản hữu hình thuộc sở hữu của VPCC mà còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ của VPCC, đặc biệt là nghĩa vụ bồi thường phát sinh theo cơ chế tổ chức hành nghề công chứng chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại trong hoạt động công chứng[4]. Thời điểm hoàn thành việc chuyển nhượng VPCC cũng là thời điểm chuyển giao tư cách “bảo lãnh” từ các CCV chuyển nhượng sang cho các CCV nhận chuyển nhượng VPCC. Điều đó có nghĩa, các CCV nhận chuyển nhượng VPCC sẽ phải kế thừa và chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng đối với các trường hợp đã được công chứng trước thời điểm nhận chuyển nhượng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của khách hàng và các trái chủ của công ty hợp danh, phá vỡ tính chất hợp danh; hơn nữa nguyên lý về chuyển giao nghĩa vụ buộc phải có sự đồng ý của bên có quyền trong trường hợp này dường như cũng không được tôn trọng[5].

Khi nghiên cứu tình huống tương tự theo pháp luật của nước Pháp đó là việc  chuyển nhượng vị trí hành nghề giữa các công chứng viên, khi đó công chứng viên mới được bổ nhiệm để nhận vị trí hành nghề từ một CCV khác sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng với giá trị chuyển nhượng vị trí hành nghề cho công chứng viên đã chuyển nhượng. Khoản tiền đó được “Coi như là một khoản đền bù cho công chứng viên chuyển nhượng giới thiệu khách hàng cũ cho mình. Công chứng viên chuyển nhượng sẽ giới thiệu với các khách hàng của mình về công chứng viên sẽ tiếp nhận vị trí hành nghề cũ của mình. Qua việc giới thiệu này, công chứng viên chuyển nhượng đã chuyển cho công chứng viên nhận chuyển nhượng một phần uy tín của mình đã có được đối với khách hàng” [6].

Trong quá trình xây dựng Luật công chứng năm 2014, cũng có ý kiến phản đối quy định về việc chuyển nhượng VPCC vì cho rằng “Văn phòng công chứng tuy được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhưng lại là một tổ chức thực hiện dịch vụ công gắn với trách nhiệm của những công chứng viên cụ thể”[7]. Mua bán, chuyển nhượng VPCC chính là việc mua bán, chuyển nhượng công ty hợp danh. Có lẽ quy định mua bán, chuyển nhượng công ty hợp danh lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung cũng như văn bản quy phạm pháp luật về công chứng nói riêng. Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 quy định về chuyển nhượng VPCC như sau:

  1. Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.

Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

  1. Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
  2. a) Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;
  3. b) Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;
  4. c) Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.
  5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.
  6. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

Thực tiễn cho thấy từ khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực đến nay, chúng tôi chưa thấy trường hợp chuyển nhượng VPCC nào được thực hiện. Phải chăng không có giao dịch chuyển nhượng VPCC?. Xét về bản chất, việc chuyển nhượng VPCC thực chất là việc thay đổi toàn bộ công chứng viên hợp danh (CCVHD) tại VPCC. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu quy định về thay đổi CCVHD tại VPCC. Khoản 1 Điều 27 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc thay đổi thành viên hợp danh của VPCC như sau:

“Công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng có thể chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo nguyện vọng cá nhân hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Văn phòng công chứng có quyền tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới nếu công chứng viên đó được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận.

Việc chấm dứt tư cách công chứng viên hợp danh và tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.”

Khi thay đổi CCVHD, VPCC không có nghĩa vụ phải xin phép mà chỉ có nghĩa vụ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của VPCC tại Sở Tư pháp nơi VPCC đã đăng ký hoạt động, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt, VPCC hoàn thành việc thay đổi CCVHD[8].

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật doanh nghiệp 2014) lại không có bất cứ quy định nào về việc chuyển nhượng, mua bán công ty hợp danh; Việc thay đổi thành viên hợp danh trong công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 2014 cũng được thực hiện trong hai trường hợp: chấm dứt tư cách thành viên hợp danh (Điều 180) và tiếp nhận thành viên hợp danh mới (Điều 181). Tư cách thành viên hợp danh sẽ chấm dứt trong trường hợp thành viên hợp danh tự nguyên rút vốn khỏi công ty với điều kiện phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, và việc bổ sung thành viên hợp danh mới cũng phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên.

Từ những quy định nêu trên chúng tôi có một số nhận định về chuyển nhượng VPCC như sau:

Thứ nhất. Tài sản chuyển nhượng.

VPCC được xem là tài sản chuyển nhượng, tài sản chuyển nhượng phải thỏa mãn điều kiện duy nhất là đã hoạt động công chứng được ít nhất 02 năm. Điều đó có nghĩa nếu VPCC mới thành lập, chưa đăng ký hoạt động từ đủ 02 năm trở lên sẽ không đủ điều kiện để chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và việc tiếp nhận thành viên hợp danh mới là quyền chủ động của các CCV[9]. Nếu như VPCC chưa đủ điều kiện chuyển nhượng do chưa đủ thời gian hoạt động 02 năm thì các CCV hoàn toàn có thể lựa chọn cách thức tiếp nhận CCVHD mới sau đó chấm dứt tư cách thành viên hợp danh cũ theo nguyên vọng, dẫn tới quy định điều kiện hoạt động công chứng được ít nhất 02 năm đã bị vô hiệu hóa.

Thứ hai: Hạn chế đối với các CCV chuyển nhượng VPCC.

Có lẽ xuất phát từ việc hạn chế mục đích thành lập VPCC rồi chuyển nhượng, đồng thời tạo cơ hội thành lập VPCC cho các CCV khác chưa phải là CCVHD tại một VPCC trong điều kiện việc thành lập VPCC phải tuân thủ theo quy hoạch. Do vậy, khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng”. Trong khi, việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo nguyện vọng thì không bị áp dụng bất cứ hạn chế hay ràng buộc nào. Điều đó, vô hình trung đã “đẩy” các công chứng viên tới sự lựa chọn cách thức thay đổi thành viên hợp danh của VPCC thay vì thực hiện chuyển nhượng VPCC.

Thứ ba: Việc chuyển nhượng VPCC phải tuân theo trình tự, thủ tục luật định.

VPCC muốn chuyển nhượng phải nộp một bộ hồ sơ chuyển nhượng tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Tư pháp lấy ý kiến của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên (ở những nơi đã thành lập), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng VPCC; tiếp đến, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng VPCC; và cuối cùng nếu được phép chuyển nhượng thì các công chứng viên nhận chuyển nhượng mới có thể đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của VPCC được chuyển nhượng theo quy định[10]. Như vậy, trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng VPCC rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, trình tự thủ tục thay đổi thành viên hợp danh lại đơn giản, nhanh chóng và hơn hết đây là quyền chủ động của VPCC mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó có nghĩa, chính pháp luật đã “định hướng” cho CCV lựa chọn cách thức thay đổi thành viên hợp danh thay vì chuyển nhượng VPCC.

Thứ tư: Hợp đồng chuyển nhượng VPCC.

Điều 15 Nghị định số: 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật công chứng quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng VPCC phải có chữ ký của CCVHD đại diện cho các CCVHD của VPCC được chuyển nhượng, các CCV nhận chuyển nhượng và phải được công chứng”. Với quy định vừa nêu, có nhiều cách hiểu về người đại diện của bên chuyển nhượng khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng VPCC.

– Cách hiểu thứ nhất: Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì, Trưởng VPCC là người đại diện theo pháp luật của VPCC[11], nên việc ký Hợp đồng chuyển nhượng VPCC đương nhiên sẽ do Trưởng VPCC đại diện ký kết. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ trong quan hệ chuyển nhượng VPCC, bên chuyển nhượng phải xác định là cá nhân mỗi CCVHD với tư cách là chủ sở hữu VPCC chứ không phải là VPCC với tư cách là tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, khi thực hiện việc chuyển nhượng VPCC thì Trưởng VPCC không thể là đại diện đương nhiên của bên chuyển nhượng VPCC.

– Cách hiểu thứ hai: người đại diện ký hợp đồng chuyển nhượng phải là một trong các CCVHD của VPCC với điều kiện được sự ủy quyền của tất cả các CCVHD còn lại. Cách hiểu này không sai, tuy nhiên đã hạn chế quyền trực tiếp định đoạt tài sản của chủ sở hữu và hạn chế quyền chỉ định người đại diện của chủ sở hữu.

– Cách hiểu thứ ba: VPCC là tài sản chung của các CCVHD, vì vậy bên cạnh việc chấp hành quy định về chuyển nhượng VPCC theo Luật Công chứng năm 2014, các CCV còn phải tuân thủ các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện, trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung. Việc định đoạt VPCC phải được sự thỏa thuận của tất cả các CCVHD, mỗi CCVHD có thể trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng VPCC hoặc ủy quyền cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đáp ứng đủ điều kiên để đại diện tham gia đàm phán, giao kết hợp đồng chuyển nhượng VPCC mà không nhất thiết phải ủy quyền cho CCVHD hoặc trưởng VPCC. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này.

Ngoài ra, cũng tại Điều 15 Nghị định số: 29/2015/NĐ-CP quy định trong Hợp đồng chuyển nhượng VPCC phải có chữ ký của các CCV nhận chuyển nhượng. Với quy định vừa nêu, có quan điểm cho rằng, tất cả các CCV nhận chuyển nhượng VPCC phải trực tiếp ký vào Hợp đồng chuyển nhượng VPCC mà không được phép ủy quyền cho người khác đại diện. Chúng tôi cho rằng, CCV nhận chuyển nhượng VPCC có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đại diện thực hiện việc đàm phán, ký hợp đồng nhận chuyển nhượng VPCC.

Bên cạnh đó, hình thức của Hợp đồng chuyển nhượng VPCC phải được công chứng, là điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng chuyển nhượng VPCC. Hợp đồng chuyển nhượng VPCC đã được công chứng là thành phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ mà VPCC chuyển nhượng phải nộp cho Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi VPCC đăng ký hoạt động để xin phép chuyển nhượng VPCC. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV (ở những nơi đã thành lập) sau đó trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định có cho phép chuyển nhượng VPCC. Như vậy, hồ sơ xin phép chuyển nhượng VPCC có thể được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép chuyển nhượng hoặc không cho phép chuyển nhượng. Nếu vì lý do nào đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không cho phép chuyển nhượng VPCC thì hợp đồng chuyển nhượng VPCC đã được công chứng sẽ được giải quyết như thế nào?. Đây là tình huống còn bỏ ngỏ, chưa được quy định trong Luật Công chứng năm 2014 cũng như Nghị định số: 29/2015/NĐ-CP.

Từ những nhận định và phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng việc thay đổi CCVHD trong VPCC là quyền chủ động của các CCVHD mà không bị lệ thuộc vào sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước; trình tự, thủ tục thay đổi CCVHD của VPCC cũng đơn giản hơn rất nhiều so với trình tự, thủ tục chuyển nhượng VPCC. Như vậy, với mục đích chuyển nhượng VPCC, hiển nhiên các CCV sẽ  lựa chọn cách thức đơn giản nhất, thuận tiện nhất, tiết kiệm thời gian nhất đó là thay đổi CCVHD theo lộ trình tiếp nhận các CCVHD mới (CCV nhận chuyển nhượng) sau đó chấm dứt tư cách các CCVHD cũ (CCV chuyển nhượng) thay vì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng VPCC theo những trình tự, thủ tục phức tạp, rườm ra. Chúng tôi cho rằng, quy định về chuyển nhượng VPCC trong Luật Công chứng năm 2014 sẽ không phát sinh hiệu lực trên thực tiễn trừ khi có sự sửa đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa về trình tự, thủ tục cũng như điều kiện chuyển nhượng VPCC trong mối tương quan với cách thức thay đổi CCVHD. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch số: 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, trong đó có Luật Công chứng năm 2014; các quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng đã bị loại bỏ, việc thành lập VPCC không còn bị hạn chế số lượng, điều đó có thể dẫn tới sẽ không có CCV nào lại nhận chuyển nhượng VPCC để phải kế thừa các nghĩa vụ của VPCC trong đó có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do các công chứng viên trước đây đã gây ra trong khi đó lại không thể kế thừa thương hiệu do phải thay đổi tên gọi của VPCC cho phù hợp[12], thì quy định chuyển nhượng VPCC được quy định tại Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 sẽ chỉ là quy định trên giấy./.

_____________________________________

[1] NCS tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giảng viên kiêm nhiệm Khoa Đào tạo Công chứng và các chức danh tư pháp khác thuộc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp.

[2] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại và Luật Kinh doanh, NXB Chính trị quốc gia, tr 204.

[3] K5 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[4] Điều 38 Luật Công chứng năm 2014;

[5] Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[6] Một số vấn đề về nghiệp vụ công chứng của cộng hòa Pháp, Giáo trình nghiệp vụ công chứng viên (2003) XNB Thống kê, tr 715;

[7] Báo cáo số: 649/BC-UBTVQH13 ngày 12 tháng 5  năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi)

[8] Điều 18 Thông tư số: 06/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 06 năm 2015 ngày 15 tháng 06 năm 2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

[9] Điều 27 Luật Công chứng năm 2014

[10] Điều 15 Nghị định số: 29/2015/NĐ-CP, ngày 15 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Công chứng;

[11] Khoản 2 ĐIều 22 Luật Công chứng năm 2014.

[12] Khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014.

___________________________