Thừa kế di sản do cha ông để lại là giao dịch đã có từ lâu đời. Vì tính chất phức tạp của nó mà pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ để bảo đảm sự công bằng cho những người thừa kế. Tuy nhiên, quan niệm trọng nam khinh nữ, gia trưởng, phong kiến tồn tại lâu đời trong xã hội Việt Nam tạo nên những cách hiểu khá lệch lạc về vấn đề này. Hậu quả là người chịu thiệt thòi thường là phụ nữ hoặc những người thừa kế “thấp cổ bé họng”, yếu thế trong gia đình.

Dưới đây là một số quan niệm sai lầm phổ biến:

1. Người “nối dõi tông đường” là người duy nhất được hưởng thừa kế

2. Con trai trưởng được hưởng thừa kế nhiều hơn

3. Chỉ có con trai được hưởng thừa kế hoặc con trai được hưởng nhiều hơn con gái

4. Con gái đi lấy chồng thì không được hưởng thừa kế

5. Con nuôi thì không được hưởng thừa kế

6. Chưa đủ 18 tuổi thì không được nhận thừa kế

7. Người không có tên trong di chúc thì không được hưởng thừa kế

8. Đi nước ngoài, thôi quốc tịch rồi thì không được hưởng thừa kế

9. Cha mẹ không được hưởng thừa kế của con

10. Cha mẹ thay mặt cho con nhỏ từ chối di sản thừa kế

…Và còn nhiều vấn đề tương tự như vậy…

Dưới góc độ pháp lý, những quan niệm nêu trên hoàn toàn không chính xác. Luật quy định những người thừa kế được phân chia theo các hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc thì những người ở cùng hàng thừa kế có quyền hưởng thừa kế ngang nhau.

Hàng thừa kế thứ nhất gồm có cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của người để lại di sản. Những người này không phân biệt quan hệ nuôi dưỡng hay ruột thịt, miễn là được công nhận hợp pháp (có giấy tờ chứng minh) thì đều có quyền hưởng di sản thừa kế như nhau – cha mẹ nuôi cũng như cha mẹ đẻ, con nuôi cũng như con đẻ (ngoại trừ con dâu, con rể), có sống chung hay sống ở nơi khác, bạn đủ 18 tuổi hay chưa đủ 18 tuổi, có quốc tịch Việt Nam hay không có quốc tịch Việt Nam.

Do vậy, trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc, nếu bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bạn hoàn toàn có quyền được hưởng di sản, bạn hoàn toàn có quyền được yêu cầu chia di sản công bằng như những người thừa kế khác.

Đối với trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc, điều đó không có nghĩa là người có tên trong di chúc ngay lập tức có quyền được hưởng toàn bộ di sản. Pháp luật có những quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc và có cả những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc gồm có: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Như vậy, giả sử vợ hoặc chồng bạn có để lại di chúc cho ai đó hưởng toàn bộ di sản thì bạn vẫn có quyền hưởng một phần di sản mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc đó.

Đối với những trường hợp từ chối nhận di sản thừa kế: chỉ có người có đủ năng lực hành vi dân sự (đủ 18 tuổi) mới có quyền từ chối hưởng di sản để nhường quyền hưởng di sản cho người khác. Việc cha hoặc mẹ thay mặt con chưa thành niên để từ chối hưởng di sản mà lẽ ra con bạn được hưởng là việc làm trái với quy định của pháp luật.

Bạn cần thêm thông tin về thừa kế, vui lòng gọi cho tôi theo số: 08585.49090 để được tư vấn miễn phí.

___________________________