Lăn tay điểm chỉ không phải là điều xa lạ với người Việt Nam, vì khi đi làm chứng minh thư nhân dân thì mọi người đều phải qua thủ tục này.
Điểm chỉ được áp dụng phổ biến khi tiến hành thủ tục công chứng. Nó phổ biến đến mức mọi người đều nghĩ rằng nó là một thủ tục bắt buộc để khẳng định ý chí của người tham gia giao dịch. Thậm chí, có nhiều người còn cho rằng văn bản công chứng mà không được điểm chỉ là không hợp pháp.
Vậy tóm lại, thủ tục điểm chỉ trong hoạt động công chứng có ý nghĩa như thế nào? Nó có phải là thủ tục bắt buộc?
Thay vì viện dẫn từng điều luật khó hiểu, tôi xin nói nôm na thế này:
1. Mục đích của việc điểm chỉ là để nhận dạng nhân thân của người tham gia giao dịch, khẳng định rằng đúng con người đó mang giấy tờ tùy thân đó đã tham gia giao kết hợp đồng hoặc ký vào văn bản.
2. Thủ tục điểm chỉ vào văn bản là không bắt buộc, mà do ý chí của công chứng viên cảm thấy có cần thiết phải làm như vậy hay không. Nếu công chứng viên đã nhận diện đúng người và biết rõ về nhân thân của chủ thể thì công chứng viên có thể không cần yêu cầu người đó điểm chỉ mà sẽ yêu cầu ký tên, ghi rõ họ tên. Theo quy định thì chỉ cần văn bản có đủ chữ ký của các bên trước sự chứng kiến của công chứng viên là đã đủ điều kiện hợp pháp. Tất nhiên, nếu công chứng viên cảm thấy cần phải điểm chỉ để nhận diện nhân thân thì các bên buộc phải làm theo yêu cầu này. Anh ta có thể yêu cầu một người hoặc tất cả điểm chỉ, có khi là điểm chỉ vào văn bản, có khi chỉ là điểm chỉ ra một tờ giấy nháp rồi bỏ đi…
3. Vậy tại sao lại phải nhận diện nhân thân bằng cách điểm chỉ: Đơn giản đây là cách làm hiệu quả nhất và nhanh chóng nhất, chính xác nhất. Mặc dù trên giấy tờ tùy thân của công dân có dán ảnh, nhưng việc nhận diện qua ảnh thường khó hơn nhận diện qua vân tay, đặc biệt những trường hợp anh chị em sinh đôi hoặc những người có khuôn mặt giống nhau rất khó nhận diện bằng ảnh in trên giấy tờ.
4. Điểm chỉ có thể dùng để thay thế cho chữ ký trong một số trường hợp người tham gia giao dịch không thể ký tên do không biết chữ, do già yếu, ốm đau, khuyết tật …
Vì những lý do trên, trong một văn bản công chứng có thể có điểm chỉ cũng có thể không, cũng có khi có cả ký cả điểm chỉ, có khi chỉ có điểm chỉ mà không ký, cũng có khi người thì ký người thì điểm chỉ … và điều đó là hoàn toàn bình thường. Khi công chứng viên đã ký, đóng dấu là mặc nhiên văn bản đó hợp pháp, trừ khi có quyết định của Tòa án tuyên hủy văn bản đó.
Không ít lần tôi nhận được những phản hồi đầy bức xúc của công dân khi bị cán bộ môt số cơ quan nhà nước từ chối nhận hồ sơ sang tên nhà đất hoặc phương tiện xe cộ chỉ vì văn bản công chứng không có điểm chỉ, hoặc không có đủ dấu điểm chỉ của tất cả mọi người.
Nếu như người dân chưa hiểu rõ về ý nghĩa của việc điểm chỉ thì cũng là việc dễ hiểu, bởi không phải ai cũng tìm hiểu về vấn đề này, nhưng là cán bộ làm việc liên quan đến pháp lý, đến quản lý nhà nước mà cũng hiểu sai hoặc không hiểu về ý nghĩa của việc điểm chỉ thì rõ ràng là điều đáng trách; hoặc là người cán bộ đó không có đủ năng lực chuyên môn, hoặc là cố tình gây khó khăn cho người dân vì một mục đích nào đó. Điều đáng nói nữa là đa số người dân bị trả hồ sơ với vài câu trả lời miệng chứ ít khi cán bộ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và căn cứ.
Mỗi lần người dân bị trả hồ sơ về vì lý do thiếu dấu điểm chỉ thì tôi thường tư vấn cho họ yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do, căn cứ từ chối hồ sơ. Khi người dân làm theo lời tư vấn thì sau đó hồ sơ đều được tiếp nhận và không có văn bản nào được ban hành ra cả.
Về phía người yêu cầu công chứng, cũng có trường hợp họ không hiểu và tỏ ra rất bức xúc khi phải điểm chỉ, bởi họ cho rằng thủ tục này chỉ áp dụng cho “bọn đi tù”, họ cảm thấy bị xúc phạm khi phải điểm chỉ. Thực tế nếu người yêu cầu công chứng hiểu về ý nghĩa của việc điểm chỉ thì họ sẽ thấy rằng đấy là cách mà công chứng viên đang giúp bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Do đó, nếu đi công chứng mà công chứng viên yêu cầu bạn điểm chỉ thì đó cũng là điều hết sức bình thường và bạn nên làm điều đó nhẹ nhàng cũng giống như việc ký tên vậy. Còn nếu công chứng viên không yêu cầu điểm chỉ thì bạn cũng có thể yên tâm rằng không điểm chỉ không ảnh hưởng gì đến giá trị của văn bản công chứng.

TƯ VẤN MIẾN PHÍ – Gọi: 08585.49090

___________________________