Pháp luật công chứng ở nước ta cần phải sớm thừa nhận loại hình VPCC do một CCV làm chủ, tạo điều kiện cho CCV có nhiều cơ hội lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu và mong muốn của họ.

Nguyễn Văn Mích
NCS tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giảng viên kiêm nhiệm Khoa Đào tạo Công chứng và các chức danh tư pháp khác thuộc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp.

 

Xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, Nghị quyết số: 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”. Luật công chứng số: 82/2006/QH11 (Luật Công chứng năm 2006) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 chính là bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương nêu trên; Tiếp đó, ngày 20 tháng 6 năm 2014 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Công chứng số: 53/2014/QH13 (Luật công chứng năm 2014) thay thế Luật Công chứng năm 2006. Sự ra đời của hai đạo luật nêu trên đã khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho phát triển tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp hóa, công chứng từ chỗ là một thủ tục hành chính đơn thuần nay được coi là một hoạt động mang tính dịch vụ, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường, góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở nước ta. Tuy nhiên, quan điểm lập pháp về hình thức tổ chức của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công chứng ở nước ta dường như chưa được xây dựng dựa trên những cơ sở khoa học cũng như tham khảo và đúc rút kinh nghiêm của các nước trên thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, phân tích sự bất cập của quy định về hình thức tổ chức của Văn phòng công chứng (VPCC) theo Luật công chứng năm 2014, qua đó đề xuất kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng năm 2006 quy định: “Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh”.

Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006 cả nước đã thành lập được 487 VPCC, trong đó có: 352 VPCC hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và 135 VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Như vậy, VPCC hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 72%  tổng số VPCC được thành lập, cao gấp 2,6 lần so với VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một điều đáng lưu ý là cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có VPCC được thành lập thì có tới 43/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tồn tại VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh[i]. Thực tiễn đã chứng minh, mô hình VPCC được tổ chức và hoạt động dưới loại hình công ty hợp danh đã không được ưu tiên lựa chọn ở nước ta, điều đó có thể lý giải bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Trách nhiệm liên đới và vô hạn của thành viên hợp danh đối với khoản nợ của VPCC đòi hỏi các công chứng viên (CCV) hợp danh phải thiết lập cơ chế giám sát quá trình hành nghề đối với CCV. Trong khi, hoạt động công chứng có tính đặc thù, CCV thực hiện chức nghiệp mang tính độc lập, giữ bí mật thông tin của khách hàng, khách quan, trung thực, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng …vv là nghĩa vụ của CCV thì việc thiết lập cơ chế giám sát sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề đối với CCV hợp danh là rất khó, không nói là không thể thực hiện được. Do vậy, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro dẫn tới trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại do CCV hợp danh gây ra luôn hiện hữu, điều mà không phải CCV nào cũng sẵn sàng chấp nhận.

Thứ hai: Tổng kết thực tiễn triển khai thi hành Luật công chứng năm 2006 cho thấy VPCC chủ yếu tập trung ở những địa bàn, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, hoạt động giao lưu dân sự, kinh tế, thương mại sôi động, nghề công chứng có điều kiện pháp triển. Trái lại, tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoạt động giao lưu dân sự, kinh tế hạn chế, nhu cầu công chứng thấp, nghề công chứng không có điều kiện phát triển, không thu hút được CCV ở nơi khác về đầu tư mở VPCC, trong khi nguồn CCV tại những địa bàn này rất khan hiếm thì mô hình VPCC phải có nhiều CCV tỏ ra chưa thực sự phù hợp.

Thứ ba: Quá trình tìm kiếm CCV hợp danh là công cuộc tìm kiếm đối tác vô cùng khó khăn. Một mặt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mặt khác cần phải “hợp” tính cách và đồng trí hướng giữa các CCV hợp danh trong việc hoạch định chiến lược phát triển, quản lý và điều hành VPCC, cũng như sẵn sàng liên đới chịu trách nhiệm trước khách hàng là điều không hề đơn giản.

BIỂU ĐỒ TỶ LỆ CÁC LOẠI HÌNH TỔ CHỨC
HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG THỜI ĐIỂM NĂM 2012

(Nguồn: Báo cáo số: 105/BC-BTP ngày 13 tháng 5 năm 2013
của Bộ Tư pháp Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng )

Như vậy, xét dưới góc độ của nhà đầu tư, người hành nghề công chứng thì VPCC được tổ chức và hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp tư nhân vẫn là sự lựa chọn của đa số các CCV. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh sự bất cập của loại hình VPCC có duy nhất 01 CCV, trong trường hợp CCV chết, ốm hoặc nghỉ làm để giải quyết công việc cá nhân, công việc gia đình thì VPCC không thể duy trì hoạt động bình thường, VPCC phải tạm dừng hoạt động, vì thế yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức không được giải quyết. Đây là hạn chế không thể phủ nhận của mô hình VPCC do một CCV thành lập, nhất là trong điều kiện pháp luật không cho phép VPCC được thuê CCV dưới hình thức hợp đồng lao động.

Sau gần 04 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, nhận thức được hạn chế của loại hình VPCC do một CCV thành lập, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Tư pháp đã thể hiện quan điểm không khuyến khích thành lập VPCC do một CCV thành lập, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích VPCC do một CCV thành lập thực hiện việc chuyển đổi sang loại hình VPCC do hai CCV trở lên thành lập[ii]. Quan điểm nêu trên sau này đã được luật hóa và trở thành nội dung của một trong những nguyên tắc thành lập VPCC quy định tại Luật Công chứng năm 2014. Theo đó, VPCC do một CCV thành lập sẽ không được phép tồn tại.

Khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “VPCC được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

VPCC phải có từ hai CCV hợp danh trở lên. VPCC không có thành viên góp vốn”.

Như vậy, Luật Công chứng năm 2014, chỉ cho phép tồn tại duy nhất mô hình VPCC được tổ chức và hoạt động dưới loại hình công ty hợp danh và phải có ít nhất hai CCV hợp danh trở lên, VPCC do một CCV thành lập, hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp tư nhân chính thức bị khai tử.

Để bảo đảm tính thống nhất về hình thức tổ chức, VPCC do một CCV thành lập theo quy định của Luật công chứng năm 2006 sẽ phải bổ sung CCV hợp danh và chuyển đổi thành loại hình công ty hợp danh trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực (01/01/2015); VPCC do một CCV thành lập không hoàn thành việc chuyển đổi thì sẽ bị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “cưỡng chế” bằng hình thức thu hồi quyết định cho phép thành lập và Sở Tư pháp sẽ thu hồi giấy đăng ký hoạt động[iii].

Sau 02 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016, là thời hạn cuối cùng phải hoàn thành việc chuyển đổi từ VPCC do một CCV thành lập sang VPCC hoạt động dưới loại hình công ty hợp danh có từ hai CCV hợp danh trở lên. Tuy nhiên, thời hạn nêu trên đã không đủ để hoàn thành việc chuyển đổi, trên cả nước vẫn còn tồn tại 178 VPCC do một CCV thành lập, chiếm khoảng 22% tổng số VPCC. 178 VPCC chưa chuyển đổi phân bổ tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập trung tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc. Theo báo cáo của các địa phương thì các VPCC không chuyển đổi được đúng thời hạn chủ yếu do không có nguồn CCV để tiến hành hợp danh, tập trung chủ yếu tại những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội chưa phát triển, số lượng CCV trên địa bàn ít, như Điện Biên (2/2 VPCC chưa chuyển đổi), Lào Cai (4/6 VPCC chưa chuyển đổi), Gia Lai (6/13 VPCC chưa chuyển đổi), Hậu Giang (3/6 VPCC chưa chuyển đổi), Trà Vinh (5/7 VPCC chưa chuyển đổi), Vĩnh Long (3/4 VPCC chưa chuyển đổi)[iv].

Việc chấm dứt hoạt động 178 VPCC chưa hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật công chứng năm 2014 này sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, CCV, người lao động, làm giảm niềm tin của xã hội đối với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Trước thực trạng nêu trên, giải pháp kéo dài thời hạn thực hiện việc chuyển đổi VPCC, giúp cho các VPCC chưa thực hiện việc chuyển đổi có thêm thời gian tìm kiếm CCV để hợp danh đã được đưa ra. Ngày 10 tháng 3 năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình số: 78/TTr-CP về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn thực hiện khoản 1 Điều 79 Luật công chứng năm 2014. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 07 tháng 3 năm 2017, Chính phủ đã quyết định không tiếp tục trình đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thực hiện khoản 1 Điều 79 của Luật Công chứng và “Chính phủ Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật công chứng. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp phù hợp đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng phục vụ nhu cầu xã hội; đối với các địa bàn khó khăn không có điều kiện xã hội hóa thì giao các Sở Tư pháp hướng dẫn tổ chức thực hiện dịch vụ công chứng phù hợp với quy định pháp luật công chứng” [v].

Chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng một cách triệt để tiếp tục được cụ thể hóa tại Luật Công chứng năm 2014, thông qua quy định chuyển PCC thành VPCC và PCC chỉ được thành lập mới tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được VPCC[vi]. Ngoài ra, Luật Công chứng năm 2014 còn quy định, VPCC thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – Xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ được xem là một trong 3 nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng[vii]. Với chủ trương xã hội hoá và chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển đối với mô hình VPCC nêu trên, trong tương lai, mô hình Phòng công chứng sẽ bị thu hẹp, thay thế vào đó VPCC sẽ là mô hình chủ yếu thực hiện chức năng công chứng ở nước ta. Tuy nhiên, khi thành lập VPCC, CCV chỉ được phép lựa chọn hình thức pháp lý duy nhất cho VPCC của mình là công ty hợp danh mà không có sự lựa chọn nào khác. Một CCV không thể thành lập VPCC mà phải có ít nhất là hai CCV trở lên cùng hợp danh mới đủ điều kiện để thành lập VPCC. Xét dưới góc độ xã hội hóa, chúng tôi cho rằng chính quy định này đã làm cản trở, tạo rào cản đối với tiến trình xã hội hóa công chứng ở nước ta nói chung, đặc biệt tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nói riêng. Nhận định nêu trên cũng đã được chỉ rõ trong Báo cáo số: 105/BC-BTP ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tư pháp Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng là: “Chủ trương xã hội hóa công chứng được triển khai chưa đồng bộ, có địa phương phát triển nhanh, nóng về số lượng VPCC, cá biệt có nơi phát triển 11 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện. Ngược lại, một số địa phương lại không phát triển được VPCC hoặc phát triển chậm. Nhìn chung, nhận thức về xã hội hóa công chứng gắn với quản lý việc thành lập, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch còn bất cập. Hiện nay, sự phân bố các tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn còn chưa đồng đều, các VPCC chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn hoặc ở các thành phố, thị xã của các tỉnh, trong khi đó các địa bàn có điều kiện kinh tế kém phát triển thì số lượng tổ chức hành nghề công chứng rất ít. Điều này, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch”[viii].

Khi nghiên cứu lịch sự hình thành và phát triển nghề công chứng của Pháp, nơi được xem là điển hình mẫu về hành nghề công chứng tự do theo trường phái công chứng La – Tinh chúng tôi nhận thấy rằng, pháp luật của nước Pháp luôn công nhận và cho phép tồn tại hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng tự do, đó là: VPCC có một CCV (VPCC cá nhân) và VPCC nhiều cổ đông[ix].  Ở Pháp có thời điểm cả nước có tổng số 6237 CCV nhưng có tới 6184 VPCC, 95% CCV hành nghề tại VPCC do một CCV làm chủ, chỉ có 5% CCV hành nghề tại VPCC tập thể [x]. Ba Lan cũng là quốc gia chuyển đổi từ mô hình công chứng bao cấp sang mô hình công chứng hành nghề tự do cũng cho phép CCV có quyền lựa chọn một trong hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng đó là: VPCC do một CCV thành lập hoặc VPCC dưới hình thức công ty nghề nghiệp dân sự khi có sự kết hợp của nhiều CCV[xi]. Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng thừa nhận CCV được phép hành nghề độc lập dưới hình thức VPCC chỉ có một CCV.

Để đảm bảo phục vụ yêu cầu công chứng của người dân, pháp luật công chứng của nhiều quốc gia quy định việc duy trì VPCC hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục, thực hiện ngày giờ làm việc như cơ quan nhà nước là trách nhiệm của CCV. Trường hợp CCV vi phạm quy định này sẽ bị miễn nhiệm chức danh CCV và bị thu hồi giấy phép hoạt động. Bên Cạnh đó, để đảm bảo VPCC không bị lâm vào tình trạng dừng hoạt động do không có CCV, pháp luật một số nước còn quy định quy chế “CCV dự khuyết”, “CCV tạm thời”. Theo đó, trong một số trường hợp cần thiết cơ quan quản lý nhà nước có quyền chỉ định “CCV dự khuyết” tiếp quản tạm thời và duy trì sự hoạt động của một VPCC.

Luật Công chứng năm 2014 không cho phép thành lập VPCC do một CCV làm chủ đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với CCV, không phù hợp với xu thế chung của các nước theo mô hình hành nghề công chứng tự do, đồng thời không nhất quán với Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Luật Doanh nghiệp năm 2014) trong việc quy định quyền của doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, tính ổn định của một doanh nghiệp không phụ thuộc vào số lượng chủ sở hữu của doanh nghiệp, mà nó phụ thuộc phần lớn vào cơ chế tổ chức, vận hành của doanh nghiệp. Do Luật công chứng năm 2006 không cho phép VPCC được thuê CCV, nên loại hình VPCC hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tư nhân đã bộc lộ bất cập trong trường hợp CCV không thể đến VPCC làm việc. Sự bất cập nêu trên đã được giải quyết cơ bản khi Luật Công chứng năm 2014 cho phép VPCC được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động, tạo hành lang pháp lý để VPCC dễ dàng tăng, giảm số lượng CCV phù hợp với nhu cầu, giúp cho VPCC vận hạnh ổn định, bền vững. Chúng tôi cho rằng, VPCC là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ phản ánh mức độ hài lòng của khách hàng, việc duy trì cung cấp dịch vụ chất lượng, ổn định, làm hài lòng khách hàng là nhu cầu tự thân của mỗi VPCC, bởi sự hài lòng của khách hàng chính là yếu tố quyết định sự suy vong hay cường thịnh của một doanh nghiệp, chủ sở hữu VPCC là người hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Từ những nhận định, phân tích thực tiễn về loại hình VPCC do một CCV thành lập hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp tư nhân ở nước ta, cũng như cách ứng phó dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi cho rằng, dường như chúng ta chỉ mới tập trung vào những hạn chế của loại hình VPCC do một CCV làm chủ mà quên đi tính ưu việt của nó; Chúng ta chưa đặt mình vào địa vị của nhà đầu tư, của người hành nghề công chứng khi nhìn nhận về loại hình VPCC do một CCV làm chủ; Chúng ta chưa tư duy theo hướng tìm ra những giải pháp nhằm triệt tiêu những hạn chế, bất cấp của loại hình VPCC do một CCV làm chủ để thừa nhận sự tồn tại của loại hình doanh nghiệp này thay vì phủ nhận nó. Thiết nghĩ, pháp luật công chứng ở nước ta cần phải sớm thừa nhận loại hình VPCC do một CCV làm chủ, tạo điều kiện cho CCV có nhiều cơ hội lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu và mong muốn của họ. Có như vậy mới thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng một cách sâu rộng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ít phát sinh, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình VPCC có quy mô nhỏ do một CCV hoạt động là rất phù hợp. Thiết nghĩ, trong nền kinh tế thị trường, quyền tự do kinh doanh trong đó có quyền tự do lựa chọn loại hình doanh nghiệp, tự do lựa chọn đối tác cần phải được ghi nhận và mở rộng ở mức tối đa nếu sự ghi nhận và mở rộng đó không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội.

_______________________

[i] Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, Báo cáo Số: 105/BC-BTP.

[ii] Bộ Tư pháp (2011), Thông tư số: 11/2011/TT-BTP ngày 27  tháng 06  năm 2011 Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về CCV, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng.

[iii] Khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng năm 2014.

[iv] Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, Báo cáo Số: 105/BC-BTP.

[v] Chính phủ (2017), Nghị quyết số: 34/NQ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2017 Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

[vi] Điều 18 Luật Công chứng năm 2014.

[vii] Điều 18 Luật Công chứng năm 2014.

[viii] Bộ Tư pháp, Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (2012), Tài liệu Hội thảo Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

[ix] Nguyễn Văn Thảo (1995), Chuyên đề công chứng, Thông tin Khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Hà Nội.

[x] Đặng Văn Khanh (2000), Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc xác định phạm vi, nội dung hành vi công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, tr13.

[xi] Nguyễn Văn Toàn (2005), Công chứng Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hướng theo mô hình công chứng La tinh, Thông tin Khoa học pháp lý, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Hà Nội, tr48.

___________________________