Công chứng và chứng thực tồn tại và song hành với nhau trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, xuyên suốt chiều dài lịch sử lập pháp Việt Nam kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, thật khó để tìm được định nghĩa chính xác và khoa học về các hoạt động này. Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP ra đời, đã xuất hiện những bất cập trong việc vận hành song song hai hệ thống này. Trong một số báo cáo, hội thảo và chuyên đề nghiên cứu, xuất hiện ngày càng nhiều thông tin về sự nhầm lẫn, sự cạnh tranh, vô hiệu hóa lẫn nhau, áp dụng và sử dụng sai giữa hai hoạt động này. Ngay cả những công chứng viên, các luật gia cũng khó khăn khi phân biệt giữa công chứng và chứng thực.

Một trong những vấn đề lớn được nêu trong Báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp về định hướng xây dựng Luật Công chứng sửa đổi (đưa ra lấy ý kiến ngày 25/10/2021) đó là xác định đúng vai trò, khái niệm, bản chất và phạm vi hoạt động công chứng – chứng thực để xác lập thể chế pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho cả hai hoạt động này, thiết lập mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau thay vì tách rời và không có sự phối hợp như trong thời gian qua. Đây là việc tất yếu cần phải làm, vì nếu như không xác định đúng bản chất của công chứng, chứng thực thì sẽ không thể tìm ra giải pháp hữu hiệu để vận hành và quản lý.

Chuyên đề này làm rõ một số vấn đề cơ bản của hoạt động công chứng, chứng thực và đưa ra một số khuyến nghị cho việc xây dựng Luật Công chứng sửa đổi.

I. KHÁI NIỆM CÔNG CHỨNG VÀ CHỨNG THỰC

1. Khái niệm công chứng

Trong luật La Mã, công chứng viên là người ghi chép, thư ký, tốc ký, người ghi chép các hoạt động trong nghị viện của tòa án, hoặc ghi chép theo lời người khác đọc, người soạn các di chúc và giấy chuyển nhượng sở hữu. Theo cách giải thích trên, xét về nguồn gốc, công chứng là nghề sớm xuất hiện trong lịch sử loài người (từ thời La Mã cổ đại), với vai trò ghi chép, soạn thảo văn bản và làm chứng.

Trên thế giới tồn tại nhiều định nghĩa về công chứng. Ở mỗi quốc gia, mỗi hệ thống pháp luật có cách định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, có thể nhận thấy những đặc điểm (nội dung) cơ bản trong hầu hết các định nghĩa về công chứng, đó là: “xác thực”, “ghi chép lại bằng văn bản”, “lưu giữ” và “được thực hiện bởi công chứng viên”:

Định nghĩa của Pháp: “Bên cạnh việc là các viên chức hòa giải và phân xử các tranh chấp, và các viên chức đàm phán hoà bình khác, những người đưa ra các tư vấn công tâm cho các bên, cũng như là người soạn thảo một cách chí công vô tư theo ý chí của các bên, giúp cho các bên nhận thức được đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng mà họ ký kết, soạn thảo các cam kết này một cách rõ ràng, cung cấp cho họ bản chất xác thực của một hành động và sự phán đoán đáng tin cậy như là phương sách tối ưu, lưu giữ sự kiện và hồ sơ của họ một cách trung thực, ngăn ngừa tranh chấp có thể xảy ra giữa các bên có thiện chí và loại bỏ những bên tham lam có mục đích và hy vọng thành công trong việc tạo nên những tranh chấp bất công. Những chuyên viên tư vấn không vụ lợi, những người soạn thảo không thiên vị này như những thẩm phán tự nguyện mà ràng buộc các bên tham gia hợp đồng một cách không thể hủy ngang là những công chứng viên. Thể chế này là chuyên môn nghề nghiệp của công chứng viên.” [1]

Định nghĩa của Hoa Kỳ: Công chứng là quy trình ngăn chặn gian lận chính thức đảm bảo cho các bên của giao dịch rằng một tài liệu là xác thực và có thể tin cậy được. Đây là một quy trình gồm ba phần, do một Công chứng viên thực hiện, bao gồm kiểm tra, chứng nhận lưu giữ hồ sơ. Công chứng đôi khi được gọi là “hành vi công chứng.” [2]

Trong tài liệu “Các nguyên tắc cơ bản của hệ thống công chứng La Tinh” (Tài liệu được Đại hội đồng các tổ chức công chứng thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế thông qua ngày 8 tháng 11 năm 2005 tại Rome, Italia) định nghĩa tại Điều 3 như sau: “Công chứng viên là viên chức được Nhà nước giao quyền cho phép công chứng viên trao tính xác thực cho các tài liệu do mình soạn thảo, để bảo đảm việc lưu trữ và cấp cho giá trị chứng cứ xác thực và hiệu lực thi hành.” [3]

Nhìn lại lịch sử công chứng thế giới, bốn đặc điểm của công chứng là “xác thực”, “ghi chép lại bằng văn bản”, “lưu giữ chứng cứ” và “được thực hiện bởi công chứng viên” đã có từ những thời kỳ đầu tiên mà công chứng viên xuất hiện – thời kỳ La Mã. Khi đó, công chứng viên được thuê để làm các công việc chứng kiến, lập các văn bản khế ước, di chúc và lưu giữ lại làm bằng chứng.[4]

Lịch sử công chứng thế giới cũng đã chứng kiến sự ra đời của các trường phái công chứng trên cơ sở các hệ thống pháp luật khác nhau. Điển hình là trường phái công chứng Latin – theo hệ thống Dân luật (Civil Law) và trường phái công chứng Anglo Saxon theo hệ thống Thông luật (Common Law). Hiện tại, hai trường phái này xuất hiện phổ biến ở tất cả các châu lục. Ở mỗi trường phái, công chứng có những đặc điểm riêng. Sự khác nhau lớn nhất giữa hai trường phái công chứng này nằm ở phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên. Nếu như công chứng Anglo Saxon thường chỉ chứng nhận tính xác thực về chủ thể, không gian, thời gian, ý chí tự nguyện, năng lực hành vi của chủ thể thì đối với công chứng Latin, Công chứng viên còn xác thực và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các tình tiết được ghi nhận trong nội dung văn bản mà mình chứng nhận. Vì những đặc điểm đó, tại Việt Nam, Công chứng Latin còn được gọi là “Công chứng nội dung”, còn Công chứng Anglo Saxon thường được gọi là “Công chứng hình thức”.  Ngoài ra, ở mỗi quốc gia, công chứng viên có thể được trao thêm một số quyền hoặc thực hiện một số công việc mang tính chất dịch vụ khác như: Chứng thực bản sao giấy tờ, bản dịch; đại lý thuế; mội giới bất động sản; dịch vụ đăng ký tài sản; đăng ký doanh nghiệp…

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của công chứng, đó là phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận có thể dẫn đến rủi ro cho các bên đương sự. Đây cũng chính là lý do mà công chứng được xếp vào nhóm dịch vụ bổ trợ tư pháp bởi hoạt động công chứng góp phần giảm tải đáng kể cho hệ thống cơ quan xét xử, thi hành án.

Công chứng viên, cho dù theo trường phái công chứng Latin hay Anglo Saxon, khi thực hiện hành vi công chứng cũng đều phải bảo đảm tính xác thực thông qua hoạt động chứng minh các tình tiết trong phạm vi mà mình chứng nhận một cách cẩn trọng và tuân thủ pháp luật. Ví dụ: Bằng nghiệp vụ của mình, Công chứng viên phải đảm bảo rằng đương sự xác lập một giao dịch trước sự chứng kiến của mình, trong trạng thái minh mẫn, có đủ năng lực hành vi dân sự với ý chí hoàn toàn tự nguyện. Điều này hoàn toàn khác với việc làm chứng của một công dân bình thường, bởi Công chứng viên là người được đào tạo chuyên môn, bảo đảm tính khách quan, công tâm, uy tín và đạo đức tốt, được pháp luật thừa nhận và trao quyền. Do đó, chứng nhận của công chứng viên bảo đảm giá trị của chứng cứ đã được chứng minh, chứng cứ đó mặc nhiên được Tòa án thừa nhận.

Để bảo đảm yếu tố xác thực của văn bản công chứng, Công chứng viên phải là người trực tiếp chứng kiến, xác minh, chứng minh, ghi nhận. Vì vậy, trong một giao dịch được công chứng, Công chứng viên đóng vai trò của người làm chứng.

Từ những đặc điểm nêu trên, có thể khái quát như sau: Công chứng là việc Công chứng viên thông qua các hoạt động xác thực, ghi chép lại bằng văn bản, chứng nhận và lưu giữ chứng cứ nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản công chứng và ngăn ngừa rủi ro pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch dân sự.

2. Khái niệm chứng thực

Theo Từ điển tiếng Việt, “Chứng thực” có nghĩa là: (cấp có thẩm quyền) xác nhận (lời nói, bản khai) là đúng sự thật, để có giá trị pháp lí.

Trong tiếng Anh: “attestation” (chứng thực) được định nghĩa như sau:

  • Theo Từ điển Cambridge: “a formal statement that you make and officially say is true” (một tuyên bố chính thức mà bạn đưa ra và chính thức nói là đúng).
  • Theo Từ điển Merriam-Webster: “an official verification of something as true or authentic” (xác minh chính thức về điều gì đó là đúng hoặc xác thực).[5]
  • Theo Từ điển pháp luật và bách khoa toàn thư pháp lý WEX – Trung tâm Khoa học pháp lý – Trường Luật Cornell: “Testimony or confirmation that something is true, genuine, or authentic. An attestation is frequently in writing. For example, a witness attests a will by signing it; his or her signature may confirm, inter alia, that he or she witnessed the testator sign the will.” (Lời chứng thực hoặc xác nhận rằng một cái gì đó là sự thật, chính hãng hoặc xác thực. Chứng thực thường được viết bằng văn bản. Ví dụ, một nhân chứng chứng thực di chúc bằng cách ký tên vào di chúc đó; chữ ký của người đó có thể xác nhận, ngoài ra còn có thể xác nhận rằng người đó đã chứng kiến người lập di chúc ký vào bản di chúc). [6]

Những định nghĩa về chứng thực ở các tài liệu khác nhau có một số chi tiết khác nhau về chủ thể và phạm vi áp dụng, nhưng những nét đặc trưng của hoạt động chứng thực được khẳng định trong hầu hết các định nghĩa, giải nghĩa, đó là: Chứng thực là hành vi chứng nhận tính xác thực.

Để chứng nhận tính xác thực, chủ thể tiến hành chứng thực phải chứng minh được tính xác thực của sự vật, hiện tượng. Tùy vào đối tượng, nội dung cần chứng thực mà việc chứng minh có thể gồm các hoạt động khác nhau, tuy nhiên, thường bao gồm các hoạt động sau:

  • Làm chứng (Witness): Thường áp dụng trong trường hợp cần xác thực về ý chí, về chủ thể, các thông tin là lời nói, ký hiệu, hành vi.
  • Xác minh (Verify): Áp dụng trong trường hợp cần đối chiếu, xác thực sự chính xác của thông tin, tài liệu, văn bản.
  • Xác thực (Authenticate): Thông qua hoạt động làm chứng hoặc/và xác minh, khẳng định sự thật, tính chính xác, tính có thật.
  • Chứng nhận (Certify): Chứng nhận ở dạng văn bản về tính xác thực, tính đúng, tính có thật.

Những hoạt động phổ biến trong đời sống thường áp dụng chứng thực như: Chứng thực bản sao; chứng thực chữ ký, con dấu; chứng thực các hành vi, sự kiện pháp lý. Ngoài ra, hoạt động chứng thực được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giao dịch ngân hàng, ký kết các giao dịch trên môi trường số nhằm xác minh danh tính, xác thực thông tin gửi và nhận, xác thực ý chí của chủ thể…

3. Phân biệt công chứng – chứng thực

Qua phân tích các định nghĩa và thủ tục được thực hiện ở nhiều quốc gia, có thể nhận thấy hai đặc điểm quan trọng nhất, rõ ràng nhất để phân biệt giữa hoạt động công chứng và chứng thực, đó là:

  • Công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó việc lưu giữ chứng cứ bằng văn bản là bắt buộc để phục vụ cho quá trình tố tụng tại Tòa án trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Chứng thực không bao gồm việc lưu giữ chứng cứ bằng văn bản mà chỉ là việc xác nhận tính xác thực của văn bản, giấy tờ, hành vi hoặc sự kiện.
  • Chủ thể thực hiện hoạt động công chứng chỉ có thể là công chứng viên (một số trường hợp đặc biệt được giao cho viên chức ngoại giao, lãnh sự). Chủ thể thực hiện hoạt động chứng thực có thể rất đa dạng, bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có thể bao gồm cả công chứng viên.

Như vậy, việc làm chứng, chứng nhận tính xác thực được thực hiện bởi công chứng viên, có lưu giữ chứng cứ bằng văn bản thì được gọi là “công chứng”; nếu vẫn là việc làm chứng, chứng nhận tính xác thực nhưng không bao gồm yếu tố lưu giữ chứng cứ hoặc/và được thực hiện bởi công chứng viên thì thường được gọi là “chứng thực”..

Sự khác biệt từ 2 yếu tố nêu trên cũng tạo ra những sự khác biệt về hậu quả pháp lý, quy trình thực hiện, yêu cầu về năng lực chủ thể thực hiện, chi phí… của hai hoạt động này là khác nhau. Xét về nhu cầu của xã hội, công chứng là một dịch vụ bổ trợ tư pháp, phục vụ chủ yếu cho các hoạt động tố tụng; chứng thực đáp ứng cho các nhu cầu đa dạng hơn, từ việc giải quyết các thủ tục hành chính đến hoạt động kinh doanh thương mại, ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…

4. Mối liên quan giữa công chứng và chứng thực

Từ nội hàm của hai khái niệm công chứng và chứng thực như nêu ở trên, có thể hình dung như sau:

  • Hoạt động chứng thực có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau;
  • Hoạt động chứng thực cũng có thể được thực hiện bởi Công chứng viên;
  • Các hoạt động chứng thực được thực hiện bởi công chứng viên (hoặc những người được chỉ định để thực hiện việc công chứng) nếu có bao gồm hoạt động lưu giữ chứng cứ thì được gọi là công chứng.

Hoạt động chứng thực là một phần trong quy trình công chứng. Luật Công chứng của các quốc gia, kể cả các quốc gia theo trường phái công chứng Anglo Saxon và các quốc gia theo trường phái công chứng Latin đều quy định các công việc cụ thể của công chứng viên bao gồm các hoạt động chứng kiến, xác minh, xác thực, chứng nhận[7]. Công chứng viên không chỉ thực hiện các hoạt động công chứng các giao dịch mà còn thực hiện các hoạt động chứng thực đối với giấy tờ, văn bản, bản sao, chữ ký… và một số hoạt động chứng thực khác.

II. QUY ĐỊNH VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

1. Trung Quốc

Theo Điều 2 của Luật công chứng số 39 năm 2014 của Trung Quốc, công chứng nghĩa là hoạt động được thực hiện bởi một tổ chức hành nghề công chứng, theo đơn đề nghị của một cá nhân hoặc pháp nhân hoặc tổ chức khác, theo đúng quy trình luật định để chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của một hành vi pháp lý dân sự, một sự kiện pháp lý có thật hoặc một văn bản pháp lý quan trọng.[8]

Căn cứ Điều 11 và 12, có thể chia các nhóm hoạt động của Công chứng viên Trung Quốc như sau:

  • Công chứng các hành vi pháp lý dân sự như hợp đồng, ủy thác, di chúc, tặng cho, phân chia tài sản, nhận con nuôi;
  • Công chứng các sự kiện liên quan đến các hành vi pháp lý dân sự như khai sinh, chết, kết hôn, ly hôn, quan hệ họ hàng, danh tính, bằng cấp và kinh nghiệm;
  • Công chứng các giấy tờ liên quan đến hành vi pháp lý dân sự như xác thực của chữ ký, con dấu trên chứng chỉ, tính nhất quán của bản sao chứng chỉ, bản trích sao, bản dịch, bản sao y bản chính;
  • Công chứng hiệu lực thi hành của các giấy tờ vay mượn tài sản như thỏa thuận trả nợ, hợp đồng thu hồi nợ;
  • Hoạt động kinh doanh phụ trợ, chẳng hạn như bảo quản bằng chứng, lưu giữ di chúc hoặc các tài liệu khác, soạn thảo văn bản công chứng thay mặt khách hàng, công chứng mở sổ xổ số, v.v.

Các thoả thuận đều phải được công chứng, không tìm thấy khái niệm chứng thực hợp đồng như của Việt Nam trong các văn bản quy phạm pháp luật khác tại Trung Quốc.

2. Liên bang Nga

Căn cứ vào Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp Liên bang Nga về công chứng (được phê duyệt ngày 11.02.1993 N 4462-1, sửa đổi và bổ sung ngày 02/07/2021, có hiệu lực vào ngày 25/08/2021) Tại Điều 35[9]. Các hoạt động công chứng được thực hiện bởi Công chứng viên bao gồm công chứng các hợp đồng giao dịch, chứng nhận quyền sở hữu của phần tài sản trong khối tài sản chung, áp đặt và huỷ bỏ những ngăn chặn (điều cấm) liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, xác nhận các thông tin về nhân thân và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ.

Tại Điều 37, các quan chức chính quyền địa phương được phép thực hiện một số hoạt động chứng thực cho các công dân đăng ký cư trú tại địa phương hoặc công dân xác lập giao dịch tại địa phương đó: giấy uỷ quyền, ngoại trừ uỷ quyền liên quan đến việc xử lý bất động sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản được thừa kế bằng cách kiểm kê tài sản được thừa kế; chứng thực tính chính xác của các bản sao tài liệu và các bản trích xuất từ chúng; chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, xác nhận các thông tin về nhân thân

Như vậy, hợp đồng giao dịch chỉ được thực hiện công chứng bởi Công chứng viên. Các viên chức chính quyền chỉ xác thực, xác nhận, ban hành và cấp bản sao các văn bản mang tính quản lý hành chính hoặc phục vụ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính.

3. Hàn Quốc

Theo Điều 2[10] của Luật công chứng Hàn Quốc (Notary Public Act No. 15150, 12/12/2017), công chứng viên được thực hiện các dịch vụ sau:

  1. Soạn thảo các chứng thư công chứng liên quan đến các hành vi pháp lý hoặc những sự kiện có thật khác liên quan đến các quyền dân sự; Soạn thảo các chứng thư công chứng liên quan đến các quan hệ pháp lý như: hợp đồng vay tiền, hợp đồng mua bán tài sản, thoả thuận về ly hôn, thừa kế, thương mại.. Chứng thư công chứng liên quan đến sự kiện dựa trên cơ sở chứng kiến thực tế như: khi ngân hàng mở két an toàn cho khách hàng thuê để kiểm kê tài sản, khi bên mua đưa ra giá trị hàng hoá còn thiếu do bên bán từ chối giao hàng…ghi nhận sự kiện do Công chứng viên chứng kiến tại nơi xảy ra sự kiện.
  2. Chứng nhận tính xác thực của các giấy tờ cá nhân hoặc các văn bản điện tử (không bao gồm các văn bản do các công chức ban hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ);
  3. Các hoạt động khác thuộc thẩm quyền công chứng viên theo quy định của Luật này và các luật khác, các quy phạm pháp luật thấp hơn. Ví dụ như thẩm tra/báo cáo liên quan đến việc thành lập công ty cổ phần, niêm phong hoặc gỡ niêm phong đối với tài sản trong xử lý vụ việc phá sản.

Theo báo cáo của Hiệp hội công chứng viên Hàn Quốc, “Công chứng là hệ thống lưu giữ chứng cứ dạng văn bản, nhằm ngăn ngừa tranh chấp và tạo điều kiện để thực hiện các quyền của cá nhân”[11] .

Điều 15 Luật công chứng Hàn Quốc cho phép Công chứng viên uỷ nhiệm (các luật sư được phép hành nghề công chứng) được hành nghề với điều kiện phải đảm bảo không được thực hiện các dịch vụ công chứng liên quan đến khách hàng mà anh ta hoặc công ty luật có liên quan đang đại diện, bao gồm:

  • Soạn thảo văn bản, chứng thư liên quan đến các hành vi pháp lý hoặc quyền dân sự;
  • Lập chứng thư trên các hối phiếu, séc bắt buộc và các giấy tờ kèm theo;
  • Chứng thực điều lệ thành lập doanh nghiệp;
  • Chứng thực các biên bản thoả thuận đính kèm khi thành lập doanh nghiệp.

Toàn bộ các hoạt động công chứng chỉ được thực hiện bởi Công chứng viên, theo Điều 87 Luật công chứng Hàn Quốc nếu không phải là Công chứng viên mà thực hiện các hoạt động công chứng thì phạt tù 3 năm và có thể bị phạt thêm 20 triệu won (~380 triệu).

4. Hoa Kỳ

Theo phần Các định nghĩa tại mở đầu của Bộ luật trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên năm 2020 (The Notary Public Code Of Professional Responsibility Of 2020)[12] Công chứng viên được định nghĩa như sau: “Công chứng viên” có nghĩa là một cá nhân được ủy quyền hoặc chỉ định để thực hiện các hành vi công chứng. “Công chứng viên” được định nghĩa cụ thể để chỉ những cá nhân có thẩm quyền thực hiện hành vi công chứng bắt nguồn từ sự ủy nhiệm, bổ nhiệm hoặc được cấp giấy phép để thực hiện hành vi công chứng, chứ không bao gồm những viên chức mà văn phòng có thẩm quyền thực hiện hành vi công chứng. Theo luật tiểu bang, thẩm phán, người ghi âm, thư ký tòa án, nhà lập pháp và những người khác có thể được ủy quyền thực hiện các hành vi công chứng, nhưng họ không được coi là Công chứng viên trừ khi họ đã nộp đơn xin và nhận được ủy ban, chỉ định hoặc giấy phép của Công chứng viên. Ngoại lệ theo điểm d điều 92.1 Bộ luật liên bang Mục 22 Quan hệ ngoại giao Chương I, tiểu chương J Dịch vụ pháp lý và các dịch vụ liên quan thì công chứng viên (dùng Notarizing Officer thay vì dùng Notary Public) bao gồm  viên chức lãnh sự, viên chức của Sở Ngoại vụ đang là thư ký của cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài.

Hoa Kỳ là ví dụ điển hình của công chứng hình thức. Trong đó Công chứng viên không phải là người soạn thảo hợp đồng giao dịch mà chỉ có nghĩa vụ chứng kiến, xác nhận việc ký kết của các bên, ghi lời chứng và lưu giữ chứng cứ. Căn cứ vào Điều § 92.11 Việc soạn thảo các văn bản pháp lý (Preparation of legal documents.)[13]

Về công chứng bản dịch, Công chứng viên tại Hoa Kỳ cũng không chứng nhận tính chính xác và đầy đủ của bản dịch, thay vào đó Công chứng viên sẽ chứng nhận chữ ký của người dịch dựa trên cam kết của người dịch (Điều V-C-3 Nguyên tắc V Bộ luật trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên năm 2020)

Đối với giao dịch về bất động sản New Jersey Statue, Mục 46 Tài sản Điều 46:14-6.1 những người có thẩm quyền được phép xác nhận hoặc chứng minh (Acknowledgment and proof) của việc chuyển quyền sở hữu tài sản bao gồm: luật sư, công chứng viên, thư ký hoặc phó thư ký quận, trưởng hoặc phó cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký thế chấp, viên chức lãnh sự… Tuy nhiên, nếu giao dịch này không được xác nhận và chứng minh thì có thể chứng minh bằng chữ viết tay tại toà án theo Điều 46:14-4.1. Có thể thấy rằng việc công chứng hình thức đối với hợp đồng giao dịch ở Mỹ, dù do ai thực hiện cũng vẫn mang bản chất của công chứng là lưu giữ và cung cấp chứng cứ không phải chứng minh.[14]

Đối với việc chứng thực bản sao, một số bang không cho phép Công chứng viên chứng thực bản sao mà thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc về cơ quan ban hành chính văn bản hoặc người đang lưu giữ hồ sơ đó[15]. Các quy định về chứng thực bản sao cũng nằm rải rác tại các văn bản luật chuyên ngành, tuỳ thuộc vào nội dung văn bản cần chứng thực có nằm trong các nội dung bị cấm hay không.

5. Anh, Úc và Singapore

Úc và Singapore có hệ thống pháp luật ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông luật Anh. Tại Điều 4 của Luật công chứng 208[16] của Singapore quy định mỗi Công chứng viên “sẽ có và có thể hành nghề trong phạm vi lãnh thổ Singapore với đầy đủ quyền hạn và chức năng mà các Công chứng viên ở Anh được thực hiện” Vai trò của Công chứng viên là ngăn chặn hành vi gian lận và đảm bảo rằng người thực hiện văn bản thực hiện việc đó một cách tự do và tự nguyện. Người đó phải hiểu những gì đang xảy ra và không bị ảnh hưởng bởi thuốc hoặc say hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, làm cho không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Những việc đó bao gồm:

  • Làm chứng cho việc ký kết các hợp đồng giao dịch (chứng thư, hợp đồng hoặc tài liệu được sử dụng để thành lập công ty, giấy ủy quyền và các tài liệu khác được sử dụng ở nước ngoài). Công chứng viên sẽ giám sát và “chứng kiến” quá trình và chứng thực chữ ký cũng như việc ký lên các văn bản.
  • Chứng thực bản sao: của các giấy tờ như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu, chứng chỉ giáo dục hoặc chứng thực. Bản sao được chứng thực có nghĩa đơn giản là nó là bản sao y thực của một tài liệu gốc mà khách hàng xuất trình tại thời điểm chứng thực, không chứng nhận tài liệu gốc là thật[17].
  • Chứng thực bản khai, lời tuyên thệ, hối phiếu đòi nợ, kháng nghị hàng hải.

Các loại văn bản hành chính cần chứng thực bản sao cũng có thể được chứng thực bởi người có uy tín và được nể trọng trong xã hội như luật sư, bác sĩ, giảng viên…[18] Việc chứng thực và thẩm quyền chứng thực giấy tờ nằm rải rác ở các quy định pháp luật khác nhau: ví dụ của các viên chức nhà nước Local Government Act 1989,  Oaths and Affirmations Act 2018[19], hay Public Service Act 1999[20]

Định nghĩa về chứng thực trong Oaths and Affirmations Act 2018 khẳng định Certify does not include attest, theo đó bản sao chứng thực (Certified copy) chỉ là hoạt động hành chính, chứng nhận đó là bản sao của tài liệu được đối chiếu, không chứng nhận rằng tài liệu đó là thật. Không có luật cụ thể ở cấp liên bang, tiểu bang hoặc lãnh thổ.

6. Chứng thực bản sao ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác

Đối với việc chứng thực bản sao, hầu hết các quốc gia trên thế giới[21] có ưu tiên về thẩm quyền theo thứ tự sau:

  • Cơ quan, tổ chức ban hành văn bản, tài liệu đó;
  • UBND và các cơ quan có chức năng tương đương;
  • Công chứng viên;
  • Những người có uy tín, nghề nghiệp đòi hỏi được đào tạo.

Một số quốc gia gắn liền với dịch vụ bưu điện như ở Anh[22] và người dân có thể mang bản chính đến bưu điện để thực hiện việc chứng thực. Trong tất cả các định nghĩa có thể tìm thấy đều khẳng định việc chứng thực bản sao là nhằm mục đích phục vụ cho một thủ tục hành chính nào đó mà tránh việc phải cung cấp bản chính dẫn đến việc thất lạc, hư hỏng.

Tại Ấn Độ, các vấn đề liên quan đến chứng thực văn bản như thẩm quyền cũng nằm rải rác ở các quy phạm pháp luật như Luật chứng cứ 1872 đối với các cơ quan ban hành văn bản[23] Chứng thực bản sao được thực hiện bởi Gazetted Officer theo Điều 309 của Hiến pháp Ấn Độ năm 1950[24]

7. Nhận xét

Qua nghiên cứu quy định về công chứng và chứng thực của một số quốc gia cho thấy một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Ở các nước trong hệ thống công chứng Latin chưa tìm thấy hoạt động chứng thực áp dụng đối với các giao dịch, hợp đồng, đặc biệt là các giao dịch về bất động sản đều phải được công chứng[25].

Thứ hai: Ở một số quốc gia theo hệ thống công chứng hình thức, hoạt động làm chứng thông thường được thực hiện bởi bất cứ ai cũng có thể được gọi là chứng thực[26]. Tuy nhiên không tìm thấy đạo luật quy định riêng về hoạt động chứng thực.

Thứ ba: Hoạt động chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký và các hoạt động chứng thực khác (áp dụng đối với cả viên chức lãnh sự, công chức trong cơ quan nhà nước…) được tìm thấy hầu hết trong các đạo luật về công chứng.

Thứ tư: Các vấn đề về chứng thực ngoài quy định của các đạo luật về công chứng sẽ nằm rải rác ở nhiều văn bản khác, thuộc các lĩnh vực khác nhau chứ không có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh chung các hoạt động này.

III. QUY ĐỊNH VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC TẠI VIỆT NAM

1. Thời kỳ công chứng và chứng thực được điều chỉnh chung trong một văn bản quy phạm pháp luật.

Trước khi Luật Công chứng 2006 có hiệu lực, mặc dù được sử dụng với những ý nghĩa khác nhau nhưng công chứng và chứng thực luôn được điều chỉnh chung trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể trong các văn bản sau:

  • Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc công chứng nhà nước;
  • Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng (hướng dẫn thực hiện Thông tư số 574);
  • Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước;
  • Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước;
  • Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về quản lý hoạt động công chứng, chứng thực.

Ngay từ Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng quy định tại Thông tư số 574/QLTPK, tại Mục II  đã quy định “chứng thực chữ ký” là 1 trong 8 nội dung thuộc “Trình tự thực hiện việc làm công chứng”. Mặc dù chưa có một định nghĩa về thuật ngữ “chứng thực”, nhưng thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản pháp luật khác như: Pháp lệnh về Thừa kế năm 1990 (sử dụng 16 lần với ý nghĩa là hoạt động chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân);  Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự năm 1991 (sử dụng 9 lần với ý nghĩa là 1 hoạt động chứng nhận của Công chứng nhà nước); Pháp lệnh Nhà ở năm 1991 (sử dụng 3 lần với ý nghĩa là hoạt động chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân). Như vậy, mặc dù là thực hiện thủ tục “công chứng” nhưng một số nội dung chứng nhận của Công chứng viên vẫn được gọi là “chứng thực”.

Cùng ra đời với hàng loạt văn bản vừa nêu trên nhưng Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 lại không còn phân biệt công chứng hay chứng thực nữa mà gọi chung các công việc là “chứng nhận”.

Điều 15 của Nghị định này quy định như sau:

“Công chứng viên thực hiện các việc công chứng sau đây:

1- Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác;

2- Chứng nhân giấy uỷ quyền;

3- Chứng nhân di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản, chứng nhân giấy thuận phân chia di sản;

4- Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

5- Chứng nhận kháng nghị hàng hải;

6- Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

7- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

8- Nhận giữ giấy tờ, tài liệu;

9- Cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu hiện đang lưu giữ;

10- Các việc công chứng khác do pháp luật quy định.”

Điều 20 quy định:

“ở các huyện, thị xã nơi chưa có Phòng Công chứng nhà nước, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện các việc công chứng sau đây:

  1. Chứng nhận hợp đồng dân sự;
  2. Chứng nhận giấy uỷ quyền;
  3. Chứng nhận di chúc;
  4. Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt.”

Đặc biệt, Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 không có quy định nào đối với hoạt động chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bộ luật Dân sự 1995 đã có những thay đổi trong cách sử dụng thuật ngữ “chứng thực”. Trong Bộ luật này, 37 lần “chứng thực” được nhắc đến với ý nghĩa là hoạt động chứng nhận của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền; 44 lần “công chứng” được nhắc đến với ý nghĩa là chứng nhận của Công chứng nhà nước. Ngay sau đó, tại Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996, thuật  ngữ “chứng thực” xuất hiện trở lại để mô tả hoạt động chứng nhận được thực hiện bởi Ủy ban nhân dân cấp Huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Các việc chứng nhận được thực hiện bởi Phòng Công chứng nhà nước và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài được gọi là “công chứng”.

Dường như việc tiếp tục phân loại “công chứng” và “chứng thực” trong Nghị định số 31/CP dựa vào tiêu chí cơ quan thực hiện hành vi chứng nhận, bởi vì mặc dù phạm vi công chứng/chứng thực đã được giao cho các cơ quan là khác nhau[27] (Những có nội dung phức tạp, đòi hỏi chuyên môn pháp lý cao được giao cho Phòng Công chứng nhà nước chứng nhận; những công việc có nội dung đơn giản hơn được giao về cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã chứng nhận) nhưng chưa có sự phân biệt về đối tượng của hành vi công chứng/chứng thực (cùng một hành vi đó nếu được thực hiện bởi cơ quan công chứng thì gọi là công chứng còn được thực hiện bởi UBND thì được gọi là chứng thực). Các quy định về lưu trữ hồ sơ cũng vẫn được áp dụng chung mà không có phân biệt giữa hai hoạt động này. Việc lưu trữ là bắt buộc ngay cả đối với hoạt động chứng nhận bản sao giấy tờ, văn bản. Có thể nhận thấy, bản chất của hoạt động công chứng, chứng thực theo quy định tại Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 giống với hoạt động công chứng theo mô hình công chứng Anglo Saxon (hay còn gọi là “công chứng hình thức”), vì những đặc điểm sau:

  • Phạm vi chứng nhận là tính xác thực của hợp đồng và giấy tờ chứ không bao gồm tính hợp pháp trong nội dung hợp đồng[28].
  • Các hợp đồng và giấy tờ được công chứng và chứng thực có giá trị chứng cứ [29] . Điều này thể hiện rằng, mục đích chủ yếu của hoạt động chứng nhận hợp đồng và giấy tờ nhằm hướng tới việc tạo lập chứng cứ, biểu hiện rõ nét của hoạt động bổ trợ tư pháp.
  • Có quy định bắt buộc về việc lưu trữ hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ liên quan đến việc chứng nhận bản sao giấy tờ[30]. Việc lưu trữ hồ sơ công chứng chính là lưu giữ những chứng cứ được tạo lập thông qua các thủ tục chứng nhận tính xác thực bằng văn bản.

Một điểm đáng chú ý là Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 quy định tại Điều 20 về vấn đề cấp bản sao như sau: “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản chính giấy tờ như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác cũng có quyền cấp bản sao các giấy tờ đó cho đương sự.” Tuy không giải nghĩa hoạt động cấp bản sao này là công chứng hay chứng thực, nhưng việc quy định này nằm trong Nghị định điều chỉnh về hoạt động công chứng, chứng thực cho thấy việc cấp bản sao được coi như một trong những hoạt động công chứng hoặc chứng thực.

Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 đã quy định tương đối đầy đủ và bao quát về phạm vi của các hoạt động công chứng và chứng thực. Mặc dù còn những hạn chế nhất định trong cách thức phân biệt công chứng, chứng thực nhưng văn bản này cũng đã chỉ ra những tiêu chí nhất định để phân biệt công chứng và chứng thực đó là:

  • Hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu đối với các công việc phức tạp hơn, cần có chuyên môn cao hơn là hoạt động chứng thực;
  • Hoạt động công chứng được thực hiện chủ yếu bởi công chứng viên, mang tính chất bổ trợ tư pháp.
  • Hoạt động chứng thực được thực hiện bởi các cơ quan hành chính, mang tính chất hành chính nhiều hơn.

Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về quản lý hoạt động công chứng, chứng thực đã kế thừa, tiếp tục làm rõ nét hơn và chi tiết hơn các quy định tại Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996, cụ thể:

  • Đã có 2 định nghĩa riêng biệt thế nào là công chứng, thế nào là chứng thực, trong đó thể hiện rõ tiêu chí để phân biệt hai khái niệm này là căn cứ vào cơ quan thực hiện chứng nhận. Cùng một công việc đó, nếu được thực hiện tại Phòng Công chứng thì được gọi là “công chứng”, còn nếu được thực hiện bởi Ủy ban nhân dân các cấp thì được gọi là “chứng thực”. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã được thực hiện hầu hết các công việc chứng nhận, bao gồm cả chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký, chứng nhận giao dịch. Ngược lại, Phòng Công chứng được chứng nhận hầu như tất cả các việc thuộc phạm chi chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
  • Tiếp tục quy định về việc cấp bản sao của các cơ quan, tổ chức, trường học, theo đó, cơ quan, tổ chức nào cấp bản chính thì có quyền cấp bản sao của văn bản mình đã ban hành;
  • Tiếp tục quy định chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng, chứng thực, tuy nhiên đã có sự phân loại để quy định thời gian lưu trữ khác nhau đối với mỗi loại hồ sơ;
  • Quy định mới về việc cung cấp hồ sơ công chứng, chứng thực theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thời kỳ công chứng và chứng thực được điều chỉnh riêng bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau

Luật Công chứng 2006 ra đời, đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt của hoạt động công chứng khi công chứng chính thức được xã hội hóa. Hoạt động công chứng lúc này có những thay đổi về đối tượng và phạm vi: Đối tượng của công chứng chỉ tập trung vào hợp đồng và giao dịch chứ không bao gồm việc chứng nhận giấy tờ, chứng nhận chữ ký hay bản sao. Về phạm vi công chứng, công chứng viên phải chứng nhận cả tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Việc chứng nhận tính hợp pháp của giao dịch thể hiện rõ đặc điểm của trường phái công chứng Latin (công chứng nội dung) nhằm nâng cao giá trị của văn bản công chứng. Quy định này đặt ra những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm của công chứng viên, đòi hỏi mọi tình tiết trong nội dung văn bản công chứng phải được chứng minh; đòi hỏi này tạo ra tác dụng phòng ngừa rủi ro pháp lý cao hơn. Thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng được trao cho công chứng viên và viên chức ngoại giao – lãnh sự với những yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, Luật Công chứng 2006 chỉ điều chỉnh riêng hoạt động công chứng chứ không điều chỉnh các hoạt động chứng thực.

Cùng với sự ra đời của Luật Công chứng 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, ngày 18/05/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Có thể hình dung đây là 2 văn bản được ban hành để thay thế cho Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000, theo đó, hoạt động công chứng giao dịch đã được tách riêng và nâng cấp thành Luật, còn một số hoạt động chứng thực và cấp bản sao từ bản gốc được sắp xếp, quy định lại trong Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Sau khi Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ra đời, hoạt động chứng thực đã có những thay đổi: Đã không còn một định nghĩa chung về chứng thực bao gồm ba hoạt động chứng nhận giao dịch, chứng nhận bản sao và chứng nhận chữ ký nữa, thay vào đó chỉ là hai hoạt động chứng thực được định nghĩa riêng biệt, gồm chứng nhận bản sao từ bản chính và chứng nhận chữ ký. Hai hoạt động này được thực hiện bởi Phòng Tư pháp quận/huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc không được coi là chứng thực hay công chứng.

Công chứng là một hoạt động bổ trợ tư pháp, nhưng ở Việt Nam, nó đang được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước. Để công chứng có thể phát triển, phát huy đúng vai trò thì công chứng cần giảm bớt yếu tố hành chính và thể hiện rõ là một hoạt động bổ trợ tư pháp. Việc phân biệt công chứng, chứng thực bằng tiêu chí là cơ quan thực hiện các hoạt động này, sau đó là tách riêng để điều chỉnh hai hoạt động này bằng các văn bản quy phạm khác nhau cho thấy các nhà làm luật muốn khẳng định rõ nhiệm vụ của hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp còn hoạt động chứng thực là một thủ tục hành chính. Điều này càng thể hiện rõ vào năm 2009 khi Bộ Tư pháp phân công nhiệm vụ quản lý hoạt động chứng thực cho Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, còn hoạt động công chứng vẫn được quản lý bởi Cục Bổ trợ tư pháp.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện Luật Công chứng 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, thực tế phát sinh một số bất cập:

  • Hoạt động chứng thực chữ ký đối với văn bản, giấy tờ có nội dung là giao dịch gây ra những chồng lấn với hoạt động công chứng nhưng không bảo đảm được an toàn pháp lý cho các giao dịch. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/08/2008, trong đó quy định việc từng bước chuyển giao việc chứng nhận giao dịch về tổ chức hành nghề công chứng thay vì chứng thực chữ ký tại Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã.
  • Tổ chức hành nghề công chứng không được chứng nhận bản sao và chứng nhận chữ ký, dẫn đến những bất tiện nhất định với người dân. Hoạt động này dồn về UBND cấp xã đôi khi gây ùn ứ và quá tải ở một số nơi.

Luật Công chứng 2014 ra đời đã kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật Công chứng 2006. Một số quy định mới mang tính đột phá hướng vào việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này như: Lần đầu tiên thừa nhận công chứng là một dịch vụ; quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên; mở rộng phạm vi chứng nhận của Công chứng viên (Công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao).

Thuật ngữ “chứng thực” đã được sử dụng trong Luật Công chứng 2014, sau đó được quy định cụ thể tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015. Tuy nhiên, cách định nghĩa về các hoạt động chứng thực trong Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng như việc quy định cho phép Công chứng viên thực hiện một số hoạt động chứng thực đã thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác của các nhà làm luật về hoạt động này.

  • Thứ nhất: Các hoạt động chứng thực được định nghĩa theo kiểu liệt kê, mô tả các công việc chứ không theo tiêu chí cơ quan thực hiện chứng nhận như trước đây. Hoạt động chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao được giao cho các cơ quan hành chính (Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã), các cơ quan đại diện ngoại giao và cả Công chứng viên.
  • Thứ hai: Hoạt động chứng thực giao dịch được quy định trở lại sau một thời gian bị gián đoạn, nó được mô tả giống hệt với hoạt động công chứng theo trường phái công chứng hình thức (trong đó bao gồm cả việc lưu trữ hồ sơ). Hoạt động này chỉ được thực hiện tại Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã (các cơ quan hành chính) chứ Công chứng viên không được thực hiện.

3. Những bất cập của quy định về công chứng, chứng thực hiện nay

3.1. Chưa định nghĩa các hoạt động công chứng, chứng thực trên cơ sở khoa học.

Đối với hoạt động công chứng:

Lịch sử công chứng thế giới và Việt Nam đều nhìn nhận đây là hoạt động bổ trợ tư pháp. Hoạt động của Công chứng viên là chứng kiến, tạo lập, lưu giữ, cung cấp chứng cứ phục vụ cho các hoạt động tố tụng. Thông qua các hoạt động của mình, Công chứng viên giúp bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch dân sự, ngăn ngừa các rủi ro xảy ra từ các hành vi gian lận.

Đa số luật công chứng của các quốc gia đều không đưa ra một định nghĩa mang tính khái quát về công chứng, tuy nhiên, việc mô tả chi tiết và đầy đủ các hoạt động của công chứng viên thể hiện rõ ý nghĩa, vai trò của họ cũng như của hoạt động công chứng. Luật Công chứng của Việt Nam có định nghĩa về “công chứng” theo phương pháp liệt kê các công việc mà Công chứng viên thực hiện. Tuy nhiên cách thức liệt kê và các quy định về công việc mà Công chứng viên thực hiện lại chưa thể hiện được đầy đủ và chính xác nhiệm vụ của hoạt động công chứng.

  • Điều 3 Luật Công chứng 2014 quy định chức năng xã hội của công chứng viên một cách rất chung chung, làm cho vai trò, nhiệm vụ của công chứng viên dễ bị hiểu nhầm. Nhiều Công chứng viên không nhận thức được vai trò “làm chứng” của mình, thậm chí tự coi mình là “thẩm phán phòng ngừa”, từ đó nhầm lẫn vai trò của mình với thẩm phán. Hệ quả là nhiều trường hợp Công chứng viên tự cho mình quyền đưa ra các phán quyết khi giải quyết công việc, can thiệp sâu vào nội dung thỏa thuận của các bên, lấn át ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch. Ở một khía cạnh khác, để khẳng định vai trò ngăn ngừa rủi ro pháp lý, nhiều Công chứng viên suy đoán và đưa ra những điều kiện ngoài quy định của pháp luật, yêu cầu các chủ thể phải chứng minh hoặc từ chối các giao dịch chính đáng của người yêu cầu công chứng.
  • Chưa làm rõ nhiệm vụ lưu giữ chứng cứ: Trong số 81 Điều của Luật Công chứng 2014 chỉ có duy nhất một điều quy định về việc lưu trữ hồ sơ công chứng (Điều 64). Mặt khác, Luật Công chứng 2014 cũng chưa phân biệt được giữa hoạt động lưu trữ hồ sơ thông thường và hoạt động lưu giữ chứng cứ. Lưu giữ chứng cứ phục vụ cho hoạt động tố tụng có những yêu cầu riêng, do vậy cần phải được quy định với những yêu cầu cụ thể và chi tiết hơn để bảo đảm tính toàn vẹn, khách quan của chứng cứ. Lưu giữ chứng cứ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công chứng. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa công chứng với các hoạt động chứng thực, chứng nhận khác. Khi đặc điểm này mờ nhạt thì công chứng dễ bị nhầm lẫn với hoạt động chứng thực, bởi xuyên suốt quy trình tác nghiệp của công chứng chính là hoạt động chứng thực cộng thêm hoạt động lưu giữ chứng cứ.

Đối với hoạt động chứng thực

Tại Việt Nam, thuật nghữ chứng thực được sử dụng ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong suốt một thời gian dài nhưng không có một định nghĩa khoa học hay cách hiểu nhất quán. Ngay cả khi nó được định nghĩa rõ ràng nhất tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 với nghĩa là hoạt động chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thì cũng vẫn có thể tìm thấy trong hệ thống pháp luật tại thời điểm đó những mâu thuẫn trong cách hiểu về “chứng thực” (ngoài Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã vẫn có những cơ quan khác thực hiện chứng thực), cụ thể, Điều 22, Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia năm 2001 quy định:

“1. Cơ quan, tổ chức nào cho phép khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ thì cơ quan, tổ chức đó cho phép sao tài liệu lưu trữ.

  1. Cơ quan lưu trữ được cấp chứng thực tài liệu lưu trữ.

Thủ tục sao tài liệu lưu trữ, thẩm quyền cấp chứng thực tài liệu lưu trữ do cơ quan lưu trữ trung ương quy định.”

Từ năm 1987 đến nay, ý nghĩa của thuật ngữ “chứng thực” đã có nhiều lần thay đổi, tạo ra nhiều cách nhiều cách hiểu khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, với các quy định tại Nghị định 23/2015-NĐ-CP, dường như không thể định nghĩa được chính xác chứng thực là gì.

Có thể thấy chứng thực ở Việt Nam đang được hiểu và điều chỉnh ở một phạm vi rất hạn chế. Trong một thời gian dài nó được hiểu là hoạt động chứng nhận của cơ quan hành chính (Ủy ban nhân dân) đối với một số công việc cụ thể; hiện tại nó được định nghĩa và điều chỉnh như những hành vi cá biệt, được thực hiện bởi Công chứng viên, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và cơ quan đại diện ngoại giao. Nghị định 23/2015/NĐ-CP chỉ điều chỉnh một số hành vi chứng thực cụ thể trong đời sống chứ chưa bao quát được phần lớn các hành vi chứng thực trong đời sống. Ví dụ, chúng ta vẫn có thể tìm thấy hoạt động chứng thực được quy định trong Luật Lưu trữ; hoạt động cấp bản sao y (bản chất là chứng thực) được quy định trong Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư…

Nhìn ở góc độ ngôn ngữ học và tham khảo khái niệm chứng thực của một số nước trên thế giới (như đã nêu ở trên), hoạt động chứng thực có phạm vi áp dụng rộng hơn nhiều, cả về lĩnh vực lẫn chủ thể thực hiện. Rất ít quốc gia định nghĩa một cách khái quát và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động chứng thực. Chứng thực được coi là những hành vi riêng lẻ được quy định tản mát ở nhiều văn bản luật khác nhau, đáp ứng những nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi điều chỉnh của văn bản đó. Ví dụ: Xác nhận danh tính và dữ liệu trong hoạt động trao đổi thông tin; chứng thực về chủ thể, về ý chí, về thiết bị, vị trí địa lý, thời gian…v.v trong các giao dịch điện tử; chứng thực nội dung của văn bản điện tử đúng với văn bản in trên giấy và ngược lại; chứng thực giao dịch giữa hai chủ thể mà không được thực hiện bởi công chứng viên; chứng thực con dấu, chữ ký của tổ chức, cá nhân trên văn bản; chứng thực lời tuyên thệ… Đối với các nội dung chứng thực phục vụ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các hoạt động mang tính chất pháp lý khác, quy trình thực hiện, nội dung, phạm vi, thẩm quyền chứng thực thường được quy định trong các đạo luật về công chứng[31], được áp dụng cho cả Công chứng viên và những chủ thể có liên quan.

3.2. Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa công chứng, chứng thực

Hoạt động chứng thực tại Việt Nam đang bị nhầm lẫn và nhiều trường hợp bị đánh đồng với hoạt động công chứng. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây, từ Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở … thấy rằng cứ ở đâu xuất hiện “công chứng” thì cũng xuất hiện “chứng thực”, ở đâu có yêu cầu về một tình tiết, một văn bản được “công chứng” thì đều có thể thay thế bằng “chứng thực”. Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định công chứng, chứng thực văn bản cử người giám hộ (Điều 48), hợp đồng trao đổi tài sản mà pháp luật quy định phải công chứng hoặc chứng thực (Điều 445), tặng cho bất động sản (Điều 459)… Luật đất đai năm 2013 quy định việc công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến các quyền của người sử dụng đất. Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định công chứng, chứng thực đối với trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; văn bản thừa kế nhà ở. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, pháp luật cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ tài sản (Điều 47), tuy nhiên việc thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Pháp luật quy định một số hợp đồng, giao dịch dân sự bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp luật nhưng cũng cho phép người dân được lựa chọn hoặc là công chứng hoặc là chứng thực.

Đặt ra yêu cầu cao hơn về chuyên môn và điều kiện thực hiện, chi phí cao hơn, trách nhiệm cao hơn nhưng trên thực tế, đa số trường hợp kết quả của hoạt động công chứng được công nhận ngang bằng với kết quả của hoạt động chứng thực. Điều này không chỉ làm cho mục đích ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro pháp lý cho xã hội không đạt được, làm lãng phí nguồn nhân lực chuyên môn cao mà còn tạo ra sự bất bình đẳng đối với những người hành nghề công chứng. Tâm lý chung của đa số người dân là ở đâu chi phí thấp thì làm. Vì lý do đó, hoạt động chứng thực giao dịch của Ủy ban nhân dân đang tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với các tổ chức hành nghề công chứng. Mặt khác, vì không có sự liên thông dữ liệu giữa hai hệ thống này nên làm cho hệ thống thông tin ngăn chặn của ngành công chứng dần bị vô hiệu hóa vì không thể theo dõi được tài sản đã giao dịch và được chứng thực; ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng một tài sản bị giao dịch nhiều lần.

Xét về quy trình thực hiện, có thể khẳng định hoạt động chứng thực giao dịch hiện nay thực chất là công chứng hình thức, vì nó hội tụ đầy đủ các công việc của công chứng, kể cả việc lưu trữ. Mặc dù việc chứng thực giao dịch không bao gồm xem xét tính hợp pháp của nội dung giao dịch, nhưng để thực hiện hoạt động này cũng đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực của người thực hiện chứng thực, ví dụ việc xác định thế nào là một giao dịch dân sự, là đối tượng để chứng thực giao dịch, hay việc lựa chọn, áp dụng pháp luật, công nhận giá trị chứng cứ của hồ sơ, giấy tờ do người yêu cầu chứng thực xuất trình. Thực tiễn áp dụng thời gian qua cho thấy nhiều vướng mắc liên quan đến chuyên môn phát sinh do trình độ chuyên môn của người thực hiện chứng thực chưa đáp ứng được yêu cầu.

3.3. Sự chồng chéo trong quản lý công chứng, chứng thực

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý ngành, quản lý các vấn đề về chuyên môn. Hoạt động chứng thực được giao cho Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, còn hoạt động công chứng được giao cho Cục Bổ trợ tư pháp. Trong khi phạm vi về chuyên môn của chứng thực gần như trùng khớp và nằm trọn trong quy trình công chứng thì việc chia ra 2 cơ quan để quản lý chuyên môn là không cần thiết, có thể gây lãng phí nhân lực và chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý, điều hành. Theo dõi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực có rất nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động chứng thực bằng công văn cho các địa phương. Hoạt động này là cần thiết khi cấp cơ sở phải tiếp nhận những yêu cầu chứng thực đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật, ví dụ như chứng thực bản sao đối với văn bản đã hết hiệu lực, chứng thực các loại giấy ủy quyền, chứng thực một số loại văn bản không rõ ràng để phân biệt có phải là giao dịch dân sự hay không hoặc công nhận hiệu lực của các văn bản được công chứng, chứng thực ở nước ngoài…Tuy nhiên, hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ dường như đang bị nhầm lẫn với hoạt động giải thích luật; các công văn hướng dẫn cá biệt đôi khi gây hiểu sai[32], thậm chí mâu thuẫn với các quy định của luật. Công chứng viên không biết sẽ phải hiểu như thế nào và áp dụng như thế nào cho đúng.

IV. SỰ CẦN THIẾT VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT ĐIỀU CHỈNH CHUNG CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC

1.    Sự cần thiết xây dựng luật điều chỉnh chung

Chứng thực là hoạt động được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Việc cấp bản sao của các cơ quan, tổ chức, bản chất cũng là một hoạt động chứng thực. Các hoạt động xác minh, xác nhận dữ liệu, thông tin tồn tại ở dạng điện tử, hoặc tồn tại ở dạng khác không phải là văn bản giấy cũng có thể là một dạng chứng thực. Tuy nhiên, các hoạt động chứng thực này không được pháp luật định nghĩa và gọi với thuật ngữ “chứng thực”. Tại Việt Nam, phạm vi mà pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động chứng thực tập trung chủ yếu gắn với hoạt động công chứng và các thủ tục hành chính. Trong đó, các hoạt động chứng kiến, xác minh, xác thực, chứng nhận là các hoạt động tác nghiệp chủ yếu của công chứng viên. Ngoại trừ việc soạn thảo văn bản và lưu giữ chứng cứ (hoặc lưu trữ hồ sơ), các công việc khác của công chứng viên khi chứng nhận một giao dịch hay văn bản chính là thực hiện quá trình chứng thực.

Các hoạt động được gọi là chứng thực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan hành chính khác, xét về phạm vi và cách thức thực hiện đều không rộng hơn hoặc khác biệt hơn so với các hoạt động của Công chứng viên. Trong suốt gần 30 năm, công chứng và chứng thực được điều chỉnh chung bằng một văn bản quy phạm pháp luật cho thấy hai hoạt động này không mâu thuẫn hay tạo ra xung đột đáng kể nào.

Khi được tách ra điều chỉnh riêng bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, được quản lý bởi các cơ quan khác nhau như hai hệ thống độc lập thì hai hệ thống này đều có xu hướng mở rộng, phát triển, gây ra sự chồng lấn và dẫn đến những bất cập như đã đề cập ở trên.

Nhìn rộng ra các quốc gia khác, rất ít quốc gia quy định về một hệ thống chứng thực giao dịch được thực hiện bởi cơ quan hành chính chạy song song với hoạt động công chứng như của Việt Nam. Ở các quốc gia theo trường phái công chứng Latin không tồn tại hoạt động chứng thực giao dịch[33]. Ở các nước theo hệ thống công chứng Anglo Saxon, việc làm chứng của các chủ thể không phải là công chứng viên đối với các giao dịch, hợp đồng có thể được gọi là chứng thực, nhưng nó được quy định trong các đạo luật về tố tụng; hoạt động chứng nhận giấy tờ, văn bản được quy định trong các đạo luật về công chứng hoặc các đạo luật khác quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan hành chính.

Có thể thấy rằng, mặc dù bản chất của công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác nhau, nhưng việc tách rời hai hoạt động này để điều chỉnh bằng hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, với 2 hệ thống quản lý khác nhau là chưa có cơ sở khoa học rõ ràng, cũng không giống với thông lệ ở các quốc gia khác. Đặc biệt, định nghĩa về chứng thực thiếu nhất quán dẫn đến những lúng túng trong việc áp dụng. Các quy định về chứng thực của Việt Nam chưa đủ bao quát để điều chỉnh tất cả các hành vi có bản chất là chứng thực; những hành vi được gọi là chứng thực theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chỉ phản ánh một phần nhỏ các hành vi có bản chất là chứng thực tồn tại trong đời sống xã hội.

Rõ ràng, để khắc phục được những chồng chéo, bất cập hiện tại khi quản lý hoạt động công chứng và chứng thực, cần phải đánh giá lại một cách khoa học hai hoạt động này. Mối liên hệ giữa công chứng và chứng thực trong phạm vi pháp luật Việt Nam điều chỉnh là rất chặt chẽ, gần như trùng khớp về mặt quy trình thực hiện. Chính vì vậy, việc xây dựng các quy phạm điều chỉnh chung cho công chứng và chứng thực có thể giải quyết được các bất cập về sự chồng chéo, nhầm lẫn và thiếu nhất quán trong việc vận hành và quản lý hai hệ thống này. Lịch sử công chứng và chứng thực Việt Nam từ năm 2006 trở về trước cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới hiện tại cũng đang cho thấy điều đó.

Ở một khía cạnh khác, yêu cầu của việc ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực đòi hỏi phải đánh giá đúng bản chất khoa học của các hoạt động này.

2. Định hướng xây dựng luật điều chỉnh chung hoạt động công chứng, chứng thực.

2.1. Làm rõ các khái niệm công chứng, chứng thực, phân biệt rõ hai hoạt động này để tránh chồng chéo và nhầm lẫn khi áp dụng.

Để công chứng và chứng thực phát huy được hiệu quả của mình, việc đầu tiên là cần phải làm rõ các khái niệm công chứng, chứng thực, phân biệt rõ hai hoạt động này.

Đối với hoạt động công chứng, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể khi định nghĩa về công chứng ngày một rõ ràng hơn, khoa học hơn. Mặc dù vậy, cũng cần thấy rằng hiện tại, hoạt động lưu giữ chứng cứ còn chưa được đề cập một cách rõ nét trong Luật Công chứng. Đây là một hoạt động không thể thiếu và là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt công chứng với chứng thực và các hoạt động chứng nhận hoặc làm chứng khác. Cần phải làm rõ các yêu cầu của hoạt động lưu giữ chứng cứ và phân biệt với hoạt động lưu trữ hồ sơ thông thường.

Đối với hoạt động chứng thực, cần đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi chứng thực. Không nên chỉ coi một số hành vi được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là chứng thực để phủ nhận bản chất của các hành vi chứng thực khác đang tồn tại trong đời sống. Việc sử dụng thuật ngữ “chứng thực” trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần cân nhắc một cách chính xác, phù hợp, tránh việc đánh đồng giữa công chứng và chứng thực như hiện nay.

2.2. Quy định thống nhất quy trình công chứng, chứng thực áp dụng chung cho các chủ thể.

Vì các nội dung chứng thực mà pháp luật nhắc đến và điều chỉnh hiện nay chủ yếu phục vụ cho các hoạt động tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính hầu hết là trùng khớp với hoạt động của công chứng viên, do vậy, nên thống nhất quy định các hoạt động chứng thực (chứng thực giao dịch, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao, sao y bản chính…) trong Luật Công chứng. Tùy vào tính chất, mức độ quan trọng của mỗi hoạt động, sẽ quy định các yêu cầu về trình độ, năng lực chuyên môn đối với chủ thể thực hiện các hoạt động đó, hoặc quy định rõ chủ thể nào được thực hiện các hoạt động nào và phải đáp ứng các yêu cầu gì, Ví dụ: Ai là người được cấp bản sao từ sổ gốc, ai là người được chứng thực bản sao, ai là người được chứng thực chữ ký…

2.3. Các giao dịch dân sự thực hiện theo quy trình công chứng

Việc chứng nhận các giao dịch, hợp đồng cần thống nhất thực hiện theo quy trình công chứng và giao cho Công chứng viên. Đối với những loại giao dịch quan trọng, bắt buộc phải công chứng thì thực hiện theo quy trình công chứng nội dung để bảo đảm mức độ an toàn. Đối với những giao dịch không bắt buộc phải công chứng (thực hiện công chứng theo yêu cầu) thì có thể cân nhắc cho phép công chứng hình thức để giảm bớt mức độ phức tạp, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Một số giao dịch đặc biệt, đơn giản có thể cân nhắc cho phép thực hiện chứng thực chữ ký (giấy ủy quyền đối với các công việc đơn giản, không liên quan đến tài sản, di chúc).

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ nên thực hiện chứng thực chữ ký và chứng thực bản sao, căn cứ vào các quy định chung về hoạt động này trong Luật Công chứng. Trong tình hình cán bộ của các cơ quan này phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, không được đào tạo chuyên sâu về công chứng thì việc chứng thực này sẽ phù hợp hơn, vừa giảm tải về mặt khối lượng công việc, vừa giảm được những sai sót về nghiệp vụ.

2.4. Quản lý công chứng, chứng thực tập trung về một mối

Việc quản lý các hoạt động công chứng, chứng thực nên tập trung về một đầu mối để bảo đảm tính thống nhất, tiết kiệm nguồn lực, giảm bớt các nguy cơ chồng chéo, mâu thuẫn trong chỉ đạo, điều hành.

 

ThS. Đào Duy An

Với sự cộng tác của:
CCV Nguyễn Thị Thơ, Trưởng VPCC Đông Anh
và ThS. Đỗ Thị Hà Ly

____________________________________

[1] https://www.notaires.fr/en/notaire/role-notaire-and-his-principal-activities/role-notaire

[2] https://www.nationalnotary.org/knowledge-center/about-notaries/what-is-notarization

[3] https://www.uinl.org/organizacion-de-la-funcion

[4] https://www.nationalnotary.org/knowledge-center/about-notaries/notary-history

[5] https://www.merriam-webster.com/dictionary/attestation

[6] https://www.law.cornell.edu/wex/attestation

[7] Xem Điều 35, 37 Luật Công chứng Cộng hòa Liên bang Nga (đã được sửa đổi và bổ sung ngày 02/07/2021, có hiệu lực vào ngày 25/08/2021); Điều 2 của Luật công chứng số 39 năm 2014 của Trung Quốc; Điều 2 của Luật công chứng Hàn Quốc số 15150 (cập nhật ngày 12/12/2017).

[8]http://english.www.gov.cn/archive/laws_regulations/2014/08/23/content_281474983042417.htm#:~:text=Article%2018%20To%20serve%20as,4)%20having%20passed%20the%20national

[9] https://legalacts.ru/doc/osnovy-zakonodatelstva-rossiiskoi-federatsii-o-notariate-utv/

[10] https://www.law.go.kr/LSW/lsInfoP.do?efYd=20180620&lsiSeq=199495#0000

[11] http://www.koreanotary.or.kr/wp-content/uploads/2015/09/KNA-presentation_2015.pdf

[12]https://www.nationalnotary.org/file%20library/nna/reference-library/code-of-professional-responsibility-2020.pdf

[13] https://www.law.cornell.edu/cfr/text/22/92.11#b

[14] https://casetext.com/statute/new-jersey-statutes/title-46-property/chapter-4614-acknowledgment-and-proof/section-4614-61-officers-authorized-to-take-acknowledgments

[15] https://fam.state.gov/fam/07fam/07fam0860.html

[16] https://sso.agc.gov.sg/Act/NPA1959

[17] https://en.wikipedia.org/wiki/Certified_copy

[18] https://www.gov.uk/certifying-a-document

[19] https://content.legislation.vic.gov.au/sites/default/files/2021-07/18-6aa008%20authorised.PDF

[20] https://www.legislation.gov.au/Details/C2019C00057

[21] https://www.immigration-quebec.gouv.qc.ca/en/forms/search-title/list-authorities.html

[22] https://www.postoffice.co.uk/identity/document-certification

[23] https://legislative.gov.in/sites/default/files/A1872-01.pdf

[24] https://www.scdl.net/pdf/Attestation%20of%20documents.pdf

 [25] Các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản phải và chỉ được công chứng bởi công chứng viên. Xem:

(http://www.gesetze-im-internet.de/bgb/)

[26] https://www.superiornotaryservices.com/blog/difference-notarization-attestation/

[27] Xem Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996.

[28] Xem Điều 1 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996.

[29] Xem Điều 1 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996.

[30] Xem Mục V, Thông tư số 1411/TT-CC, ngày 03/10/1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996.

[31] Xem: Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp Liên bang Nga về công chứng (được phê duyệt ngày 11.02.1993 N 4462-1, đã được sửa đổi và bổ sung ngày 02/07/2021, có hiệu lực vào ngày 25/08/2021) Tại Điều 35 và Điều 37.

[32] Tham khảo Công văn số 262/HTQT-CT ngày 23/03/2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) và Công văn số 2579/BTP-PLQT của Bộ Tư pháp ngày 11/07/2019.

[33]https://www.uinl.org/documents/20181/339555/ANM_CGK-11-1-EN-Acte+Authent.%2BCosts/6dd7b827-63d9-41d9-868b-2856af50b105

___________________________