Sau nhiều năm chuyển sang nền kinh tế thị trường thì việc đào tạo dường như vẫn rất mơ hồ và chưa sẵn sàng đáp ứng cho thị trường, nó thể hiện luôn ở kết quả đầu ra bằng sự ngơ ngác của nhiều tân cử nhân luật trước các câu hỏi của nhà tuyển dụng.


Gần 1 tuần phỏng vấn các bạn ứng viên với nhiều cảm xúc. Vui có, buồn có, ức chế cũng có, nhưng có lẽ điều đọng lại nhiều nhất trong tôi là sự chán nản.
Tôi đã định sẽ mặc kệ không viết gì nữa, nhưng như vậy thì có vẻ hơi ích kỷ và vô trách nhiệm. Thôi thì cũng có vài dòng xoay quanh việc tuyển dụng trợ lý công chứng viên trong mấy ngày vừa qua, hy vọng là nó tốt cho ai đó.

1. TIÊU CHUẨN LẠ?

Tất cả những gì mà tôi mong muốn khi tìm trợ lý đều rất đơn giản, đơn giản đến lạ lùng:

Vâng, đầu tiên là một người tử tế. Hình như hai chữ tử tế thời nay nó hơi nhạy cảm, thành ra mọi người thấy buồn cười, nhưng quả thật nó đúng là như vậy. Sự tử tế đôi khi chỉ là làm một việc gì đó đạt những tiêu chuẩn tối thiểu mà thôi … akak chứ đâu có cao siêu gì, ấy thế mà có vẻ cũng khó khăn. Khoảng 50% ứng viên gửi email hồ sơ cho tôi mà không có lấy một lời (ít ra là “hello”) trong nội dung email. Hình như một số bạn quên mất nguyên tắc giao tiếp … thế là …chỉ có gửi cái email thôi mà đã thiếu tử tế rồi. Trong 50% còn lại thì sao? Cũng chỉ khoảng một nửa là có bộ hồ sơ xin việc ở mức tạm chấp nhận được, nghĩa là có thư xin việc, có bản giới thiệu bản thân (tạm gọi là CV) một cách nghiêm túc. Một nửa còn lại thể hiện rằng các bạn thậm chí không biết trình bày đơn xin việc hay một bản CV ở mức cơ bản (việc trình bày thế nào là chấp nhận được tôi sẽ nói ở phía sau). Chỉ có mỗi việc viết đơn xin việc và bản mô tả bản thân chưa đầy 2 trang giấy cũng không tử tế. Vậy là số người tạm được coi là tử tế (không mắc 2 lỗi “không tử tế” vừa nêu) chỉ còn lại có một phần tư. Tôi thật sự khó hiểu bởi với 12 năm học phổ thông và ít nhất 4 năm học đại học mà những nguyên tắc đơn giản nhất khi tìm kiếm một công việc các bạn cũng không làm được? Lỗi do ai? Tất nhiên là sẽ không có nhà tuyển dụng nào muốn gọi phỏng vấn những ứng viên như vậy. Các bạn cũng sẽ mãi mãi không biết lý do tại sao mình không được nhà tuyển dụng gọi phỏng vấn.

Thứ hai, có lẽ khó hơn, đó là biết soạn thảo văn bản. Khi tôi đưa ra yêu cầu này thì anh bạn luật sư Tu Ha Huy đã nói với tôi rằng “tiêu chuẩn của ông khó quá” vì ngay cả nhiều luật sư già thì việc trình bày một văn bản được coi là chuẩn cũng còn khó, nói gì đến các bạn mới ra trường. Ơ hơ… hóa ra luật sư nói đúng … với yêu cầu trình bày một văn bản hành chính đơn giản (khoảng 1 trang) có ghi lại “Track Change” trên MS.Words rồi in ra, thế mà hầu như toàn bộ các bạn loay hoay như gà mắc tóc cả tiếng đồng hồ không xong. Tôi thấy lạ là các bạn chát rất nhanh trên bất kỳ loại bàn phím nào, thế mà…??? Phải chăng trong tiềm thức của các bạn thì làm nghề luật chỉ cần chat và gọi điện thoại???

Thứ ba, không biết là khó hay dễ khi yêu cầu ứng viên còn nhớ và viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Các cụ có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, và đúng vậy… mặc dù có cụ Google hỗ trợ thì cũng rất nhiều bạn không thể biết cách sử dụng dấu chấm, dấu phẩy, hay dấu chấm phẩy, rồi viết hoa, viết thường thế nào cho đúng.

Nói đến đây thì ai đó sẽ cho rằng tôi quá quan tâm đến những thứ tiểu tiết mà không quan tâm đến vấn đề chính là chuyên môn của các bạn. Vâng, thì tôi cho rằng thế này:

Tôi tạm gọi 4 năm học trong trường đại học giống như việc các bạn ủ một hũ rượu ngon vậy. Cha mẹ, gia đình, nhà trường đã chuẩn bị củi lửa, nước , men … để các bạn tạo ra hũ rượu. Giờ thì cái gọi là hũ rượu đó được đem ra thị trường để bán, và các bạn chứ không phải ai khác, sẽ phải đem đi chào hàng. Vậy thì có phải đơn xin việc, CV là tờ rơi quảng cáo? Buổi phỏng vấn là cơ hội để các bạn chào hàng trực tiếp? Nếu các bạn không thể viết nổi một tờ rơi, một mẩu quảng cáo tốt thì chẳng ai thèm quan tâm đến hũ rượu của bạn. Khi người ta quan tâm đến sản phẩm của bạn (mời phỏng vấn, cho bạn cơ hội trình bày) mà bạn chẳng biết nó chua, cay, mặn, ngọt ra sao, chẳng cho khách hàng cảm nhận được gì từ sản phẩm đó thì liệu ai sẽ bỏ tiền ra mua?

Tôi xin trở lại câu chuyện trình bày CV và đơn xin việc.

Hỏi ông Google thì các bạn sẽ có cả một rổ các mẫu CV, mẫu đơn cho các loại ngành nghề khác nhau, và copy paste thật là dễ dàng. Đúng vậy, nhiều mẫu CV đến mức các bạn tha hồ thể hiện cá tính trên đó, rồi thì mỗi hồ sơ các bạn làm một mẫu cho nó oách…và rồi đến mức có bao nhiêu cái xấu thì các bạn cũng show cho nhà tuyển dụng thấy cả.

Bạn là nhà tuyển dụng thì bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu hình ảnh chân dung một luật gia trước mắt bạn đang chu mỏ selfy, đang nheo mắt tạo dáng, đang khoe hình xăm, đang mặc bộ đồ hip hop với đủ các loại khẩu hiệu trên ngực?

Bạn có muốn tuyển một trợ lý với thành tích dày đặc các đơn vị đã kinh qua mà mỗi nơi anh ta tồn tại không quá 6 tháng?

Bạn có muốn tuyển một cử nhân luật với bản CV trình bày như một phiếu thi trắc nghiệm?

Bạn có muốn một người hành nghề luật trình bày đơn xin việc như một bài thơ cùng chim cây hoa lá cành?

Rõ ràng, xin việc là một công việc nghiêm túc, cần sự trang trọng, lịch sự, văn minh. Bạn cần thể hiện là người có văn hóa, bạn cần thể hiện sự chỉn chu ngay từ những yếu tố đầu tiên tiếp xúc với nhà tuyển dụng. Không những thế, ngành luật đòi hỏi bạn thật sự chuyên nghiệp trong cách trình bày văn bản, bất kể đó là đơn xin việc hay CV hay một văn bản gì khác. Bạn có thể thể hiện cá tính qua hình thức các tài liệu gửi nhà tuyển dụng, nhưng không phải ngành nghề nào cũng cho phép bạn làm điều đó, đặc biệt là ngành luật. Một lá đơn xin việc chuẩn về văn phong, chính tả, nội dung và cách trình bày; một bản CV chân phương, đơn giản, rõ ràng, mạch lạc sẽ là yếu tố ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Nếu bạn không thể trình bày được hai loại văn bản này theo đúng phong cách của một luật gia thì bạn không đạt được những yêu cầu tối thiểu để hành nghề luật.

Chúng ta đều thấy giao tiếp quan trọng như thế nào trong giao dịch. Riêng đối với ngành luật, kênh giao tiếp bằng văn bản được coi là kênh giao tiếp chính thức và quan trọng nhất – sản phẩm đầu ra trong công việc của một luật gia chính là thể hiện bằng văn bản. Luật sư hay công chứng viên có tư duy giỏi đến mấy mà không thể thể hiện ra bằng văn bản một cách chính xác thì cũng như không có tư duy.

2. ƯU TIÊN LẠ

Mỗi tổ chức khi xây dựng chiến lược nhân sự và lập kế hoạch tuyển dụng đều đưa ra các tiêu chí nhằm chọn lọc được nhân sự phù hợp nhất (lưu ý rằng PHÙ HỢP NHẤT chứ không phải là xuất sắc nhất). Vậy nên không phải cứ full option về bằng cấp chứng chỉ hay xuất sắc về chuyên môn là bạn có lợi thế trước các ứng viên khác. Sẽ chẳng có gì lạ khi các nhà tuyển dụng đưa ra những tiêu chí ưu tiên không giống với suy nghĩ của bạn. Thực tế cho thấy, để có thể làm việc trong một tổ chức thì kiến thức về chuyên môn chính mà bạn được đào tạo chỉ là điều kiện cần, và với ngành công chứng thì mức độ quan trọng của nó chỉ chiếm khoảng 20-30% mà thôi. Như thế nghĩa là 70-80% còn lại nằm ở những yếu tố khác, ví dụ kỹ năng giao tiếp, khả năng hòa nhập với tập thể, các kỹ năng xử lý công việc, có khi bao gồm cả yếu tố đẹp trai xinh gái, hát hay …vv. Khi tất cả những yếu tố trên phù hợp rồi thì vẫn còn một yếu tố quyết định nữa, đó là vấn đề tài chính có phù hợp hay không. Ở những nơi mà việc thu hút lao động khó khăn, nhà tuyển dụng không có nhiều lựa chọn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với ứng viên và ngược lại. Nhưng có một điểm chung là nhà tuyển dụng luôn lựa chọn ứng viên phù hợp nhất và sẽ có những ứng viên khác bị loại. Chính vì vậy, sự chủ động của các bạn khi tìm hiểu về vị trí mà mình ứng tuyển, các tiêu chuẩn, điều kiện có phù hợp hay không là chìa khóa quyết định sự thành công của bạn. Bạn sẽ không thể qua mắt nhà tuyển dụng nếu bạn chỉ có ý định dạo chơi hay muốn tìm điều gì đó mới mẻ. Nhà tuyển dụng luôn biết chính xác cái họ cần, vấn đề còn lại nằm ở việc bạn có biết hay không.

Riêng đối với vị trí trợ lý công chứng viên, bạn không phải là người quyết định về chuyên môn (cái đó thuộc nhiệm vụ của công chứng viên), vậy thì các kỹ năng mới là điều bạn cần phải lưu tâm nhiều nhất:

– Bạn sẽ phải giao tiếp với khách hàng nhiều, do vậy kỹ năng giao tiếp là điều bắt buộc. Bạn cần chỉn chu về hình thức và quan trọng nhất là phải tạo được thiện cảm với người đối diện.

– Bạn sẽ phải giải thích, tư vấn cho khách hàng, do vậy bạn cần có sự điềm đạm, tự tin về phong thái, rõ ràng, mạch lạc khi trình bày. Bạn không tin vào bạn thì khách hàng nào dám đặt niềm tin?

– Bạn cần phải soạn thảo văn bản nhiều (công việc chính), do vậy kỹ năng soạn thảo, trình bày văn bản của bạn phải thực sự tốt. Đợi đến khi phỏng vấn mới thấy mình cần đi học lại kỹ năng này thì bao giờ bạn mới thành thạo?

– Bạn cần phải có kỹ năng hòa nhập với tập thể, với đồng nghiệp, nếu không làm được điều đó có nghĩa là bạn tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

– Bạn cần phải cẩn thận, trung thực, khách quan. Mặc đù đây không phải là kỹ năng nhưng nó là đòi hỏi bắt buộc nếu bạn không muốn tự hại chính mình và các đồng nghiệp của mình.

Đối với nhà tuyển dụng, việc bù đắp về chuyên môn cho nhân viên là việc tất yếu họ phải làm, nhưng bù đắp về kỹ năng thì lại khác, không phải nhà tuyển dụng nào cũng sẵn sàng làm việc đó, bởi nó cần quá nhiều thời gian và công sức (thà họ lựa chọn ứng viên khác còn dễ dàng hơn). Nhà tuyển dụng thường chỉ giúp bạn chuẩn hóa và hoàn thiện kỹ năng để phù hợp với quy trình làm việc mà thôi.

Rõ ràng, nhà tuyển dụng ưu tiên cái gì là xuất phát từ nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng, và xa hơn là xuất phát từ nhu cầu thị trường, do đó những ưu tiên “lạ” thực ra chẳng có gì là “lạ”.

Điều lạ ở đây là sau rất nhiều năm chuyển sang nền kinh tế thì trường thì việc đào tạo dường như vẫn rất mơ hồ, nó thể hiện luôn ở kết quả đầu ra bằng sự ngơ ngác của nhiều tân cử nhân luật trước các câu hỏi của nhà tuyển dụng.

3. SỰ THỤ ĐỘNG

Đó là đặc điểm phổ biến của các bạn ứng viên. Trong số 10 ứng viên gần đây nhất mà tôi từng phỏng vấn thì có tới 8 người ở trong trạng thái thụ động.

Với những câu hỏi tưởng như rất phổ biến và đơn giản (chưa liên quan gì tới chuyên môn) nhưng tôi nhận được những câu trả lời hoặc những phản ứng rất bất ngờ:

– “Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?” – “em học luật ra và em nghĩ nó phù hợp với chuyên ngành mình học”.

-“Tôi đang muốn mua năng lực của bạn, vậy hãy cho tôi thấy bạn có gì để tôi có thể chi tiền mua?” – Im lặng hoặc cười, hoặc nhìn xuống đất

– “Em ứng tuyển làm trợ lý công chứng viên, vậy theo cách hiểu của em thì công chứng là gì ?” – Run, lắp bắp, lí nhí…

-“Ước mơ của em là gì” – Bật khóc.

Cá biệt có những bạn sau màn chào hỏi và tự giới thiệu thì bắt đầu im lặng, run rẩy, lóng ngóng, tay múa quạt, mắt nhìn xa xăm, khua đổ cả cốc nước trên bàn.

Dẫu biết rằng các bạn mới ra trường, dẫu biết rằng các bạn lần đầu đi phỏng vấn, nhưng thật khó chấp nhận khi các bạn mất tự tin và thiếu kỹ năng đến vậy.

Hỏi một chút cơ bản về chuyên môn thì ôi thôi… “môn đó em học từ năm thứ hai, em không nhớ rõ nữa” hoặc “nếu trúng tuyển em hy vọng sẽ được đào tạo thêm để làm việc”.

Tôi đã tự hỏi vậy 4 năm học đại học nhà trường trang bị cho các bạn những gì? Cơ sự như vậy do chất lượng đào tạo quá tệ hay do chính các bạn đó quá thụ động?

Trong một diễn biến khác, tôi lại đang nhìn thấy những bạn sinh viên năm hai, năm ba đi học việc, đi làm không lương ở một số tổ chức. Những bạn mà tôi gặp không hẳn là có học lực giỏi, nhưng đủ tự tin, đủ chủ động và đáp ứng công việc khá tốt sau một thời gian làm quen. Rõ ràng số ít các bạn này đang tạo ra sự khác biệt, họ biết chủ động nắm lấy tương lai của chính mình, họ đang vượt ra khỏi những ảo tưởng về điểm số và bằng khen để đến với những điều thực chất hơn.

___________________________