Không phải tất cả các hành vi pháp lý đơn phương đều là giao dịch dân sự, nó chỉ có thể là giao dịch dân sự khi nó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.


Hiện có nhiều ý kiến khác nhau xoay quan vấn đề hành vi pháp lý đơn phương. Có 2 quan điểm chính như sau:

1. Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự (search google thì nhiều tài liệu giải thích như vậy). Theo đó khi tiến hành một hành vi pháp lý đơn phương thì ngay lập tức làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

2. Hành vi pháp lý đơn phương không mặc nhiên là giao dịch dân sự, bởi có những hành vi pháp lý đơn phương không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Chỉ những hành vi pháp lý đơn phương nào làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự thì mới là giao dịch dân sự.

Hai quan điểm này đưa đến những hậu quả pháp lý rất khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công chứng, chứng thực chữ ký mà CCV đang thực hiện.

Nếu theo quan điểm thứ nhất thì mọi cam đoan, cam kết đều phát sinh nghĩa vụ của người cam đoan, cam kết nhằm bảo đảm rằng những cam đoan cam kết đó là đúng sự thật. Do vậy, nếu theo quan điểm này thì hậu quả pháp lý là ngoài một số loại giấy ủy quyền (được chứng thực chữ ký theo Nghị định 23) thì mọi loại giấy tờ thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể đều sẽ là giao dịch dân sự, do vậy mặc nhiên phải công chứng chứ không thể chứng thực chữ ký… ví dụ : Sơ yếu lý lịch, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện, cam đoan về các sự kiện pháp lý khác…

Nếu theo quan điểm thứ hai, thì một số loại cam đoan hoặc hành vi pháp lý đơn phương không mặc nhiên phát sinh nghĩa vụ nào cả, trừ khi có cam kết của người cam đoan hoặc người thực hiện hành vi pháp lý đơn phương về việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Theo quan điểm này thì CCV có thể tiến hành chứng thực chữ ký đối với nhiều loại văn bản là hành vi pháp lý đơn phương.

Từ trước đến nay, tôi nghiêng về quan điểm thứ 2, và tôi xin nêu một số ý kiến phân tích – mong mọi người cùng cho ý kiến trao đổi.

1. Bộ luật Dân sự 2015 nhắc đến hành vi pháp lý đơn phương ở 4 Điều với các nội dung sau:

– Điều 8 quy định Quyền dân sự được phát sinh từ hành vi pháp lý đơn phương

-Điều 275 quy định Nghĩa vụ dân sự được phát sinh từ hành vi pháp lý đơn phương

-Điều 684 quy định: “Pháp luật áp dụng đối với hành vi pháp lý đơn phương là pháp luật của nước nơi cá nhân xác lập hành vi đó cư trú hoặc nơi pháp nhân xác lập hành vi đó được thành lập.”

-Điều 116 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Những nội dung nêu trên đều khẳng định hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ, cơ sở làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự chứ không có chỗ nào khẳng định theo hướng ngược lại rằng “giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương”.

2. Nghiên cứu kỹ điều 116 thì thấy rằng, điều này quy định rất cụ thể cụm từ “hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, như vậy, nếu hành vi pháp lý đơn phương mặc nhiên làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự thì Điều 116 chỉ cần quy định rằng “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương” là đủ chứ không cần phải quy định dài dòng như vậy. Việc quy định thêm điều kiện “làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” gián tiếp thừa nhận rằng có những hành vi pháp lý đơn phương mà không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

3. Không tìm thấy một định nghĩa nào về hành vi pháp lý đơn phương trong các văn bản luật, tuy nhiên có thể tìm thấy khái niệm “hành vi pháp lý” trong một số giáo trình và tài liệu về học thuật, theo đó thì Hành vi pháp lý là: “Hành vi thực hiện một sự kiện thực tế, cụ thể theo ý chí của con người làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Hành vi pháp lý được chia thành hành vi pháp lý hợp pháp và hành vi pháp lý bất hợp pháp”. Từ đó ta có thể hiểu hành vi pháp lý đơn phương là Hành vi pháp lý được thực hiện bởi 1 chủ thể xác định, nó có thể là hành vi pháp lý đơn phương hợp pháp và hành vi pháp lý đơn phương bất hợp pháp. Mặt khác, nó không bó hẹp trong lĩnh vực Dân sự. Có những hành vi pháp lý đơn phương sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ hành chính hoặc hình sự chứ không làm phát sinh nghĩa vụ dân sự, ví dụ: khi bạn tham gia giao thông bằng xe mô tô thì phát sinh nghĩa vụ phải đội mũ bảo hiểm – đó là một nghĩa vụ hành chính chứ không hề phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự nào cả => Nếu đối chiếu với Điều 116 BLDS thì hành vi pháp lý đơn phương loại này không thỏa mãn điều kiện để trở thành 1 giao dịch dân sự.

4. Để xác định được một hành vi pháp lý đơn phương có phải là giao dịch dân sự hay không thì cần phải thỏa mãn 2 điều kiện:

– Quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hành vi đó phải mang tính chất “Dân sự”

– Nghĩa vụ phát sinh đó phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 274 và 276 của BLDS. Theo đó nó phải là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện.

Nếu cho rằng bất kỳ một cam đoan nào, một hành vi pháp lý đơn phương nào cũng làm phát sinh nghĩa vụ của chủ thể để bảo đảm rằng cam đoan đó là đúng sự thật thì lập luận này không thỏa mãn các điều kiện của một nghĩa vụ dân sự theo Điều 274 và 276. Ở đây chỉ có thể xác định trách nhiệm dân sự khi việc cam đoan sai sự thật, vi phạm pháp luật dân sự mà thôi (vấn đề phân biệt trách nhiệm dân sự và nghĩa vụ dân sự sẽ được bàn ở một topic khác).

Từ những lý do trên, tôi cho rằng:

Không phải tất cả các hành vi pháp lý đơn phương đều là giao dịch dân sự, nó chỉ có thể là giao dịch dân sự khi nó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Không phải cứ lập một bản cam đoan là mặc nhiên phát sinh nghĩa vụ của người lập cam đoan, và không phải mọi hành vi cam đoan đều là giao dịch dân sự.

___________________________