Tác giả: PGS. TS.Đỗ Văn Đại
Trưởng Khoa Luật Dân sự – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND tối cao.
Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp Số 5 (số 309) tháng 3, năm 2016
Theo Giáo sư Vũ Văn Mẫu, tục lệ của Việt Nam trong các xã hội trước đây cho thấy: di chúc chung của vợ – chồng là hình thức di chúc thông dụng và việc vợ – chồng cùng nhau lập di chúc chung là hiện tượng phổ biến. Quan niệm truyền thống của người Việt Nam vốn rất coi trọng đạo nghĩa vợ – chồng và luôn muốn củng cố tình thương yêu, đoàn kết trong gia đình, nên cũng khuyến khích việc vợ – chồng cùng nhau lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung, và coi đó như là một biểu hiện cao đẹp của sự đoàn kết, yêu thương giữa vợ – chồng[1]. Bộ luật Hồng Đức đã ghi nhận khả năng vợ chồng “cùng lập di chúc chung”[2]. Kế tiếp, “việc dùng chúc thư chung để sử dụng gia sản đã được hai bộ Dân luật (Bắc Trung) công nhận” và “nhiều tác giả đã chủ trương rằng, trong luật Việt Nam, việc lập chúc thư chung là thường lệ”[3].
Sau năm 1975, pháp luật nước ta cũng đã có quy định cho loại di chúc này, từ Thông tư số 81 năm 1981 của Tòa án nhân dân tối cao đến Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005). Tuy nhiên, BLDS mới được Quốc hội thông qua vào ngày 24/11/2015 với tên gọi là Luật số 91/2015/QH13 (BLDS 2015) đã không giữ lại những quy định về di chúc chung của vợ chồng. Đây là bất ngờ rất lớn và cần bàn về hướng xử lý trong tương lai từ việc bỏ những quy định về di chúc chung của vợ chồng.
1. Những bất ngờ của việc bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng
1.1 Sự thay đổi bất ngờ trong văn bản
Các quy định ghi nhận khả năng vợ chồng lập di chúc chung khá ổn định ở Việt Nam. Cụ thể, Thông tư số 81 năm 1981 của Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận di chúc chung của vợ chồng, theo đó, «di chúc do hai vợ chồng cùng làm để định đoạt tài sản chung, nếu một người chết trước, thì chỉ riêng phần di sản của người đó được thi hành theo di chúc. Người còn sống có quyền giữ nguyên, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình».
Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 không chính thức đề cập tới vấn đề di chúc chung của vợ chồng nhưng cũng thừa nhận loại di chúc này tại khoản 1, Điều 23, theo đó “trong trường hợp di chúc do nhiều người lập chung, mà có người chết trước, thì chỉ phần di chúc có liên quan đến tài sản của người chết trước có hiệu lực”. Ở đây, Pháp lệnh ghi nhận “di chúc do nhiều người lập chung” nên đương nhiên ghi nhận di chúc chung của vợ chồng định đoạt tài sản chung.
BLDS 1995 thay thế Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có nhiều quy định về di chúc chung của vợ chồng. Cụ thể, theo Điều 666 và Điều 667, “vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung” và “vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết, thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Liên quan đến hiệu lực của di chúc, Điều 671 khẳng định “trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”.
BLDS 2005 thay thế BLDS 1995 vẫn có quy định theo hướng ghi nhận di chúc chung của vợ chồng. Đầu tiên là Điều 663 với nội dung “vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Kế tiếp là Điều 664 với quy định “vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Cuối cùng là Điều 668 theo đó “di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Dự thảo sửa đổi BLDS và trong Dự thảo sửa đổi này đã không có quy định về di chúc chung của vợ chồng. Nghĩa là, trong BLDS 2015 không còn những quy định về di chúc chung đã được ghi nhận trong các văn bản trước đây. Như vậy, đã có sự thay đổi bất ngờ trong văn bản: từ năm 1981 đến BLDS 2005 (4 đời văn bản) chúng ta luôn có quy định ghi nhận khả năng lập di chúc chung của vợ chồng, nhưng trong BLDS 2015, chúng ta không có quy định về di chúc chung của vợ chồng.
1.2 Sự bất ngờ trong cách thay đổi về di chúc chung của vợ chồng
Đến ngày 24/10/2015, khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo BLDS (sửa đổi) thì trong Dự thảo này, vẫn có các quy định về di chúc chung của vợ chồng.
Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo sửa đổi BLDS đã được Quốc hội cho ý kiến mà chúng tôi tham gia (vòng 1 và vòng 2), không có ý kiến đề xuất bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng. Trong quá trình trao đổi để chỉnh lý, các bên liên quan tập trung bàn về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng (tức vẫn chấp nhận di chúc chung của vợ chồng nhưng điều chỉnh hiệu lực của di chúc này). Trong Dự thảo sửa đổi vào nửa đầu tháng 11/2015, vẫn tồn tại những quy định về di chúc chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22/11/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nêu “bỏ các điều 641, 642 và 646 về di chúc chung vợ chồng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung vợ chồng và hiệu lực của di chúc chung vợ chồng”. Điều đó có nghĩa là việc quyết định bỏ các quy định về di chúc chung ra khỏi Dự thảo để Quốc hội thông qua chỉ xuất hiện ở tuần cuối cùng trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo BLDS 2015 vào ngày 24/11/2015. Thực tế, việc quyết định bỏ các quy định trên được đưa ra vào ngày 21/11/2015 (ngày thứ bảy) cho dù phía tiếp cận nhiều với di chúc chung của vợ chồng là Tòa án nhân dân tối cao mong muốn giữ lại quy định về loại di chúc này (thực tiễn tại Tòa án cho thấy di chúc chung có những ưu việt nhất định mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau).
Với người quan tâm tới pháp luật dân sự cũng như tới quá trình sửa đổi BLDS để được thông qua vào tháng 11/2015, việc bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng ra khỏi BLDS như trên là quá bất ngờ. Khi Quốc hội thông qua Dự thảo BLDS (sửa đổi), nhiều người không biết có việc thay đổi này. Cách thay đổi như vậy là đáng tiếc vì di chúc chung của vợ chồng là một vấn đề lớn của xã hội Việt Nam, một văn hóa gắn liền với người Việt Nam. Một số nội dung đã phải xin ý kiến riêng các đại biểu Quốc hội trước khi tiến hành thông qua như vấn đề về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (có 203/366 phiếu tán thành) hay về việc chuyển đổi giới tính (282/366 số phiếu thu được tán thành) nhưng việc bỏ quy định về di chúc chung lại để Quốc hội đã thông qua một cách tổng thể với các vấn đề khác của BLDS, trong khi đó những quy định về di chúc chung của vợ chồng ảnh hưởng tới số lượng người lớn hơn nhiều so với vấn đề của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay so với vấn đề chuyển đổi giới tính. Một thay đổi hệ trọng như trên đáng ra cần được trao đổi, thảo luận kỹ và lấy ý kiến nhân dân hay lấy ý kiến cụ thể của đại biểu Quốc hội, nhưng thực tế chỉ được quyết định mấy ngày trước khi Quốc hội tiến hành thông qua Dự thảo BLDS (sửa đổi).
1.3 Sự bất ngờ trong lý do thay đổi về di chúc chung của vợ chồng
Trong Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22/11/2015 nêu trên, chúng ta thấy nêu “có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng của BLDS hiện hành, bởi vì di chúc là ý chí của cá nhân, việc quy định vợ chồng lập di chúc chung rất phức tạp trên thực tế khi xác định thời điểm mở thừa kế, hiệu lực của di chúc chung và giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ các điều 641, 642 và 646 về di chúc chung vợ chồng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung vợ chồng và hiệu lực của di chúc chung vợ chồng”.
Trong Báo cáo trên, chúng ta thấy có hai lý do cơ bản dẫn đến việc bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng. Lý do thứ nhất là “phức tạp trên thực tế” và lý do thứ hai là “kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng”. Theo chúng tôi, lý do thứ nhất là lý do chung cho rất nhiều vấn đề của đời sống dân sự. Chúng tôi đã nghiên cứu thực tiễn xét xử từ nhiều năm nay và nhận thấy có rất nhiều vấn đề dân sự phức tạp. Do đó, nếu chỉ vì phức tạp mà bỏ quy định này thì có lẽ phải bỏ rất nhiều quy định khác trong BLDS.
Đối với lý do thứ hai, chúng tôi thấy pháp luật ở các nước Áo, Đức có ghi nhận di chúc chung của vợ chồng. BLDS Đức ghi nhận di chúc chung của vợ chồng (Điều 2265) và từ năm 2001, Đức còn đi xa hơn ở việc chấp nhận di chúc chung của những người cùng giới sống chung có đăng ký[4]. Đặc biệt, pháp luật Phần Lan và Thụy Điển còn chấp nhận di chúc chung mà không giới hạn di chúc chung này đối với chủ thể nào nên có nhiều khả năng di chúc chung được chấp nhận cho mọi đối tượng và không giới hạn ở di chúc chung của vợ chồng[5]. Ở Pháp, BLDS năm 1804 không có quy định về di chúc chung đồng thời có quy định cấm di chúc chung tại Điều 968 và việc cấm này đã có từ thế kỷ thứ 18, từ chỉ dụ Aguesseau năm 1735[6]. Tuy nhiên, từ rất lâu, nhiều tác giả đã cho rằng việc cấm này là không ổn[7] và tại Hội nghị được tổ chức vào tháng 6 năm 2014, Hiệp hội Công chứng Pháp (đóng vai trò chủ yếu trong lĩnh vực thừa kế) đã cho rằng “việc cấm đã lỗi thời” nên cần bỏ và Hiệp hội này “đã đưa ra một đề xuất sửa đổi BLDS với việc bổ sung quy định ghi nhận di chúc chung”[8]. Sở dĩ Pháp đang theo hướng ghi nhận di chúc chung của vợ chồng là vì “việc cấm di chúc chung buộc vợ chồng phải thiết lập hai di chúc khác nhau” trong khi đó cho phép lập di chúc chung là “đáp ứng nhu cầu xã hội”[9], “bảo vệ người vợ/chồng còn sống và tổ chức việc chuyển giao tài sản gia đình khi người thứ hai chết”[10]. Như vậy, chúng ta đang có quy định về di chúc chung thì lại không giữ lại, trong khi đó BLDS Pháp năm 1804 cấm loại di chúc này nhưng họ lại đang muốn bỏ việc cấm này đồng thời thiết lập quy định cho phép lập di chúc chung để đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng cả “mong đợi của những cặp không là vợ chồng nhưng sống chung có đăng ký”[11]. Điều đó cho thấy lý do dựa vào kinh nghiệm quốc tế để bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng cũng là một bất ngờ lớn đối với những người quan tâm tới hệ thống dân luật[12].
Chung quanh lý do dựa vào kinh nghiệm quốc tế để bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng, xin lưu ý thêm rằng, các chuyên gia nước ngoài rất ngại tư vấn cho Việt Nam về vấn đề thừa kế vì họ cho rằng đây là vấn đề gắn liền với văn hóa của mỗi nước. Ngay cả đối với chuyên gia Nhật Bản (có hệ thống dân luật khá gần gũi với chúng ta), họ cũng không có ý kiến về vấn đề di chúc chung của vợ chồng. Trong tài liệu khoảng 60 trang của JICA về Quan điểm của Ủy ban nghiên cứu chung về BLDS, các chuyên gia Nhật Bản cũng chỉ dám cho ý kiến về thời hiệu thừa kế và hoàn toàn không nhắc đến di chúc chung của vợ chồng. Do đó, việc viện cớ kinh nghiệm quốc tế để bỏ các quy định về di chúc chung trong BLDS năm 2005 không thể không gây ngạc nhiên: Người nước ngoài cho rằng đây là vấn đề gắn liền với văn hóa của người Việt Nam nên không cho ý kiến, chúng ta lại viện cớ lấy những thứ gắn liền với văn hóa của người nước ngoài để bỏ đi nét văn hóa của mình là việc làm hoàn toàn không thuyết phục.
2. Hướng xử lý đối với di chúc chung của vợ chồng
Trước việc BLDS 2015 không giữ lại quy định về di chúc chung của vợ chồng, câu hỏi đặt ra là phải xử lý như thế nào đối với trường hợp những cặp vợ chồng vẫn muốn duy trì văn hóa lâu đời là lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Câu trả lời khá dễ dàng nếu họ lập di chúc chung trước khi BLDS mới được thông qua có hiệu lực (ngày 1/1/2017). Vấn đề phức tạp hơn khi những người này lập di chúc từ khi BLDS mới có hiệu lực pháp luật.
2.1 Trước khi BLDS 2015 có hiệu lực
– Ưu việt của di chúc chung của vợ chồng
Khối tài sản chung của vợ chồng ở Việt Nam rất phổ biến. Và vì tài sản của vợ chồng là một khối tài sản chung nên nhiều cặp vợ chồng muốn lập di chúc chung để không xé lẻ tài sản này và nhiều cặp vợ chồng khác lập di chúc chung để quy các tài sản thành một khối. Nói cách khác, lợi ích đầu tiên của việc lập di chúc chung của vợ chồng là tạo điều kiện cho khối tài sản chung được duy trì. Ngoài ra, với quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng, người còn sống được bảo vệ rất tốt, an toàn trong khối tài sản chung cho đến khi họ qua đời. Đây cũng là một ưu việt của di chúc chung của vợ chồng.
Nhằm giúp những cặp vợ chồng hiểu rõ hơn về những ưu việt của di chúc chung của vợ chồng (để từ đó quyết định hay không quyết định lập di chúc chung của vợ chồng), chúng ta cùng nhau xem xét một vụ việc đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm năm 2013 với tình tiết như sau: Cụ Đồng và cụ Lư lập “Tờ di chúc” có nội dung: Chúng tôi là chủ sở hữu căn nhà số 03 Phó Đức Chính. Ngay trong lúc chúng tôi minh mẫn, sáng suốt chúng tôi tự nguyện lập tờ di chúc này để định đoạt căn nhà kể trên như sau: Sau khi chúng tôi qua đời, con gái ruột chúng tôi là Hòa sinh năm 1951; địa chỉ (…) sẽ được trọn quyền thừa hưởng căn nhà kể trên. Trong quyết định giám đốc thẩm, chúng ta thấy nêu “căn nhà số 03 Phó Đức Chính là chỗ ở duy nhất của cụ Đồng và 06 người con, cháu, chắt của cụ Đồng, trong khi đó bà Hòa đã có nhà ở nơi khác” nhưng bà Hòađã làm “văn bản khai nhận di sản” phần sở hữu của cụ Lư (người đã chết) và được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”.
Theo Hồi đồng thẩm phán, “di chúc chung của hai cụ là nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho cụ còn lại (sau khi một cụ chết) trong căn nhà này” và “di chúc nêu trên là di chúc chung của vợ chồng cụ Đồng, cụ Lư và thời điểm có hiệu lực của di chúc là sau khi hai cụ chết. Tuy nhiên, sau khi cụ Lư chết (ngày 22/11/2002), còn cụ Đồng vẫn đang ở cùng con cháu tại căn nhà nêu trên thì ngày 17/11/2005 bà Hòađã làm “văn bản khai nhận di sản” phần sở hữu của cụ Lư trong căn nhà số 03 Phó Đức Chính là không đúng với nội dung di chúc của hai cụ và là trái pháp luật”. Từ đó, Hội đồng thẩm phán cho rằng “Việc bà Hòa kê khai di sản thừa kế phần của cụ Lư trong khi cụ Đồng còn sống là không đúng nội dung di chúc và trái pháp luật; do đó, ngày 22/11/2010, cơ quan có thẩm quyền lại căn cứ vào văn bản khai nhận di sản và Hợp đồng tặng cho để cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” toàn bộ nhà đất số 03 Phó Đức Chính cho bà Hòa là sai”[13].
Ở vụ việc trên, di chúc chung của cụ Đồng và cụ Lư đã giúp giữ căn nhà vẫn thành một khối và người còn sống được an tâm sinh sống trong căn nhà đó cho tới khi họ qua đời (việc người thừa kế kê khai di sản, được cấp giấy chứng nhận không có giá trị sẽ tạo ra sự ổn định cho người còn sống).
– Vẫn thừa nhận di chúc chung của vợ chồng
Theo Điều 689 BLDS 2015, “Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017». Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 khẳng định “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005”.
Di chúc là một dạng giao dịch dân sự trên cơ sở Điều 116 BLDS 2015, theo đó “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Do đó, các quy định trên được áp dụng cho di chúc, tức di chúc chung được lập trước ngày 1/1/2017 được điều chỉnh bởi các quy định của BLDS 2005. Vì vậy, những cặp vợ chồng muốn lập di chúc chung đối với tài sản chung (để hưởng những ưu việt ở trên) mà không muốn di chúc của mình gặp những phiền toái từ việc BLDS 2015 không có quy định về di chúc chung thì nên lập di chúc chung trước ngày 1/1/2017 (các quy định của BLDS 2005 tiếp tục được áp dụng).
2.2 Từ khi BLDS 2015 có hiệu lực
– Không có điều luật cụ thể áp dụng
Để không cho phép lập di chúc chung, ngoài việc không có quy định về di chúc chung, BLDS Pháp còn đưa ra một quy định nói rõ không cho phép lập di chúc chung. Cụ thể, theo Điều 968, “một di chúc không thể được làm trong cùng một văn bản bởi hai hay nhiều người, hoặc vì lợi ích của người thứ ba, hoặc để định đoạt cho nhau”. Với nội hàm như vậy, người quan tâm hiểu ngay rằng pháp luật Pháp đã cấm di chúc chung (nhưng đang có xu hướng bỏ việc cấm này như đã nêu ở trên).
Ở Việt Nam, nếu những cặp vợ chồng có tài sản chung muốn lập di chúc chung sau ngày 1/1/2017 thì có được không? Đây là câu hỏi sẽ được đặt ra trong thực tế đời sống vì như đã nêu, vợ chồng lập di chúc chung là một nét văn hóa (tốt) của người Việt Nam và đã tồn tại từ bao đời nay. Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản vì khác với BLDS Pháp nêu trên, BLDS 2015 chỉ đơn thuần không giữ lại các quy định về di chúc chung của vợ chồng đã tồn tại trước đó, nhưng không có quy định nêu rõ là cấm di chúc chung của vợ chồng.
Nếu không có quy định cấm di chúc chung một cách minh thị thì liệu có một quy định nào được hiểu là không cho phép vợ chồng lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung không?BLDS 2015 có quy định có thể dẫn đến cách hiểu là vợ chồng không được lập di chúc chung. Đó là Điều 624 (giữ nguyên Điều 646 BLDS 2005) với nội dung “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Trước đây, việc tồn tại song song quy định vừa nêu (Điều 646 BLDS 2005) và quy định về di chúc chung của vợ chồng có thể dẫn tới cách hiểu là điều luật vừa nêu chỉ chấp nhận di chúc của một cá nhân. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ quy định tại Điều 624 trên của BLDS 2015 thì việc hiểu theo hướng cấm di chúc chung của vợ chồng không thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, điều luật trên chỉ nói di chúc là “ý chí của cá nhân” chứ không nói di chúc là “ý chí của một cá nhân” trong khi đó vợ, chồng đều là cá nhân nên hoàn toàn có thể hiểu vợ chồng được lập di chúc chung. Nói cách khác, quy định trên cho biết chỉ cá nhân mới được lập di chúc (chủ thể khác cá nhân như pháp nhân không được lập di chúc) chứ không nói là di chúc chỉ có thể do một cá nhân lập, tức không đủ cơ sở để cho rằng, quy định trên cấm di chúc chung của vợ chồng khi họ định đoạt tài sản chung của họ.
Giả sử có quy định trong BLDS 2015 cấm (minh thị hay suy luận là cấm) di chúc chung của vợ chồng thì quy định đó có giá trị pháp lý không? Theo khoản 1 Điều 119 Hiến pháp năm 2013, “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Quy định này cho thấy mọi văn bản khác Hiến pháp phải phù hợp với Hiến pháp. Vậy nếu tồn tại quy định theo hướng cấm di chúc chung của vợ chồng trong BLDS hay văn bản khác như giả định nêu trên thì quy định đó có phù hợp với Hiến pháp hiện hành không?
Theo khoản 1 Điều 32 Hiến pháp, “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Vì Điều 32 vừa nêu nằm trong Chương 2 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên quyền sở hữu tài sản (được ghi nhận cho “mọi người”) ở quy định trên được hiểu là một “quyền con người” nên được hưởng cơ chế bảo vệ tương ứng trong đó có cơ chế được nêu tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp (điều đầu tiên của Chương 2) với nội dung “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, chỉ có Luật (văn bản do Quốc hội ban hành) mới có thể “hạn chế” quyền sở hữu. Vẫn theo quy định tại khoản 2 Điều 14 thì Luật cũng không thể tùy tiện hạn chế quyền sở hữu và việc hạn chế này chỉ được chấp nhận “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Chúng tôi cho rằng, việc vợ chồng lập di chúc chung của vợ chồng không ảnh hưởng tới “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” trong quy định vừa nêu. Do đó, quy định trong BLDS hay trong luật khác không thể cấm di chúc chung của vợ chồng. Vì thế, nếu có quy định nào cấm hay được hiểu là cấm di chúc chung của vợ chồng thì quy định đó không phù hợp với Điều 14 Hiến pháp[14].
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định: thứ nhất, không có quy định về di chúc chung của vợ chồng với những thay đổi trong BLDS 2015 so với BLDS 2005 (và hy vọng một ngày nào đó sẽ được khôi phục); thứ hai, không tồn tại một quy định có giá trị pháp lý cấm di chúc chung của vợ chồng khi họ định đoạt tài sản chung của họ. Điều đó có nghĩa là di chúc chung của vợ chồng (để định đoạt tài sản chung) chưa có điều luật cụ thể quy định và chịu sự điều chỉnh của những quy định về hoàn cảnh chưa có điều luật cụ thể sẽ được trình bày ở phần dưới đây.
– Xử lý trường hợp không có điều luật cụ thể
Về hướng xử lý trường hợp chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, BLDS 2015 có một số quy định mới. Trong các quy định mới này phải kể đến khoản 2 Điều 14 với nội dung “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”. Do đó, nếu có tranh chấp về di chúc chung của vợ chồng về tài sản chung của họ, Tòa án không được từ chối giải quyết, tức phải giải quyết nội dung tranh chấp. Vấn đề tiếp theo là giải quyết như thế nào?
Khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định Tòa án giải quyết trên cơ sở Điều 5 và Điều 6 BLDS 2015 trong khi đó, theo Điều 6 BLDS 2015, “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Với hướng trên, trong trường hợp chưa có quy định ghi nhận một cách minh thị di chúc chung của vợ chồng, Tòa án phải tạo lập ra án lệ để điều chỉnh trên cơ sở lẽ công bằng, các nguyên tắc cơ bản trong đó có khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 với nội dung “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện quyền dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Chúng tôi hy vọng rằng Tòa án sẽ kế thừa những ưu điểm về di chúc chung của vợ chồng trong các quy định trước đây để có một hệ thống án lệ thuyết phục về di chúc chung của vợ chồng. Về chủ đề này, xin cung cấp thêm thông tin rằng, trước đây, Pháp áp dụng Bộ Dân luật Nam kỳ giản yếu ở Việt Nam và không có quy định về di chúc chung của vợ chồng nhưng “án lệ Nam cũng công nhận chúc thư cộng đồng do hai vợ chồng lập chung”[15]. Từ thế kỷ trước, án lệ ở nước ta đã mạnh dạn ghi nhận di chúc chung của vợ chồng khi không có quy định cụ thể thì không có lý do gì mà án lệ trong tương lai lại không làm tương tự nếu như không muốn đi ngược lại với nhu cầu tốt đẹp của người dân.
Thay lời kết: Ở Việt Nam, “theo tục lệ, thường thường cha mẹ cùng nhau lập di chúc thư để chia của cho các con nhận hưởng sau khi mình chết”[16]. Khả năng lập di chúc chung này đã được ghi nhận trong các văn bản cho đến BLDS 2005. Do đó, việc BLDS 2015 không giữ quy định về di chúc chung của vợ chồng là một bất ngờ lớn.
Từ năm 1804, Pháp coi di chúc chỉ mang tính cá nhân và có quy định minh thị cấm di chúc chung. Khi Pháp đô hộ Việt Nam, họ mang đến Việt Nam cả một hệ thống tư duy pháp lý với sự hình thành các Bộ Dân luật ở Việt Nam nhưng họ không những không dám đưa vào văn bản quy định cấm người Việt Nam lập di chúc chung mà còn đưa vào văn bản quy định ghi nhận khả năng lập di chúc chung của vợ chồng[17], vì đó là nét văn hóa gắn liền với người Việt Nam. Đó là việc làm khôn ngoan vì những gì thuộc về nền văn hóa tốt đẹp của người dân thì luật khó có thể bác bỏ. Trước nhu cầu của xã hội về việc lập di chúc chung của vợ chồng ở Việt Nam (đã trở thành tục lệ), những hướng xử lý nêu trên cần được cân nhắc và chúng tôi mong chờ có một hệ thống án lệ thuyết phục về chủ đề này (trước khi có văn bản khôi phục các quy định về di chúc chung của vợ chồng).
Trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo BLDS vào ngày 24/11/2015, ngày 23/11/2015 Báo Tuổi trẻ có đăng bài về “có nên bỏ di chúc chung của vợ chồng?” Xin thay lời kết bài viết này bằng việc dẫn lại ý kiến của ba độc giả sau khi họ đọc bài viết trên Báo Tuổi Trẻ: “Lập di chúc chung vợ chồng là quyền của người ta”, “Việc cần sửa thì không lo sửa. Chuyện đang tốt thì kiếm cách làm hư” và “Đúng là hỗn độn rắc rối và đủ chuyện trên trời, dưới đất và đáy biển cũng từ con người mà ra…?”[18]./.
[18] http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151123/co-nen-bo-di-chuc-chung-cua-vo-chong/1007671.html (cập nhật ngày 7/12/2015).