Gần đây, giá xe ô tô đã dễ chịu hơn rất nhiều, đặc biệt là xe đã qua sử dụng. Một số bạn bè và khách hàng thường xuyên hỏi tôi tư vấn về việc mua xe đã qua sử dụng, đặc biệt là về vấn đề pháp lý.

Tôi không phải là 1 chuyên gia về xe cộ, nhưng cũng chơi xe khoảng 15 năm nay với vài lần đổi xe của mình – cũ, mới đủ cả, thi thoảng cũng được anh em đi mua xe rủ đi cùng làm chân hộ tống. Vốn cũng tò mò + dính tới 1 chút nghề nghiệp nên tôi cũng có một vài kinh nghiệm (hổ lốn, cả về pháp lý lẫn kinh nghiệm vặt vãnh) chia sẻ với các bạn nếu các bạn có ý định đi mua xe cũ tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Có 2 vấn đề lớn nhất khi đi mua xe cũ mà ai cũng quan tâm:

Thứ nhất là lai lịch và chất lượng của xe – không phải chuyên môn của tôi nên xin phép không “múa rìu qua mặt thợ”.

Thứ hai là vấn đề pháp lý và cách thức giao dịch – tôi chủ yếu chia sẻ về cái này:

    1. Nếu bạn có ý định nhờ người có kinh nghiệm đi xem xe thì cần chọn lựa người tin cẩn. Một số trường hợp thuê thợ kỹ thuật ở các gara đi xem xe hộ thì không hẳn đã yên tâm, bởi rất nhiều trường hợp anh thợ này chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, sẵn sàng mặc cả, ăn tiền và thông đồng với bên bán xe. Một số trường hợp khác, anh thợ mà bạn thuê đi xem xe lại chê bai tất cả đề rồi thuyết phục bạn mua một chiếc xe do anh ta sắp đặt. Anh bạn tôi chơi rất thân với 1 chủ gara sửa xe, tuy nhiên sau khi được nhờ đi mua xe hộ, ông chủ gara bận nên cử 1 cậu nhân viên kỹ thuật đi xem giúp, kết quả là cậu này dù đã được người mua xe cảm ơn 2 triệu sau khi mua được xe, nhưng cũng kịp “ăn”của bên bán xe 5 triệu vì đã lái được khách mua xe theo ý muốn của bên bán. Chỉ đến khi chiếc xe có vấn đề, anh bạn chủ gara phải ra tay thẩm định lại thì mọi việc mới vỡ lở. Tóm lại, nếu bạn không thạo về xe thì cần phải tìm được người tin cẩn đi thẩm định giúp mình.
  1. Khi bạn đã “bồ kết” em nào thì quyết định của bạn sẽ mang nhiều cảm tính, bạn sẽ chỉ quan tâm đến thứ bạn thích chứ ít khi để ý đến những vấn đề khác, và đây là lý do mà bạn thường “dính chưởng” với nhân viên sale. Thường thì bạn sẽ bị họ thuyết phục đặt cọc thật nhanh, số tiền đặt cọc từ lớn đến nhỏ dần tùy theo độ hào phóng của bạn. Đôi khi bạn tặc lưỡi, ôi xời, đặt 10 triệu, 20 triệu thì nhằm nhò gì, thế là xuống tiền. Tuy nhiên rắc rối sẽ bắt đầu ngay sau khi tiền cọc rời tay bạn.

– Bạn sẽ được thuyết phục rằng thủ tục sang tên rất nhanh gọn, bạn chỉ cần lo nốt số tiền, thanh toán 100% tiền mua xe và ký hợp đồng công chứng ngay lập tức, thậm chí bạn không cần phải ký vào hợp đồng công chứng mà vẫn có hợp đồng được công chứng mang tên bạn. Thực tế là có nhiều gara bán xe cũ tại Hà Nội sử dụng các hợp đồng công chứng được ký khống (hợp đồng được ký và đóng dấu sẵn mà chưa có nội dung). Các bản hợp đồng này có thể là giả mạo, cũng có thể được mua từ một số tỉnh lân cận hoặc mua tại Hà Nội từ một số kẻ cố ý làm trái. Đặc điểm là sau khi bạn cầm hợp đồng công chứng thì hợp đồng đó thường không có trên hệ thống dữ liệu thông tin công chứng. Sử dụng loại hợp đồng này tiềm ẩn một số rủi ro:

+ Thứ nhất: Hợp đồng này có thể được sử dụng để hợp thức đối với những chiếc xe không rõ nguồn gốc, xe do trộm cắp, lừa đảo, xe không chính chủ, xe đang cầm cố, thế chấp, đang bị kê biên thi hành án hoặc đang có tranh chấp về quyền sở hữu. Những trường hợp này trong quá trình bạn đi đăng ký sang tên nếu cơ quan công an phát hiện ra hoặc có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào thì bạn không thể sang tên được, thậm chí xe của bạn có thể bị tạm giữ để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.

+ Thứ hai: Vì là hợp đồng công chứng làm trái quy định của pháp luật nên khi có rủi ro thì ngoài gara bán xe, sẽ không có ai chịu trách nhiệm cho những tổn thất của bạn. Trên thực tế, không dễ dàng để bạn đòi được tiền từ bên bán xe.

+ Thứ ba: Cho dù chiếc xe được sang tên cho bạn, nhưng vì hợp đồng công chứng khống trái pháp luật thì bạn cũng có thể đối diện với những rắc rối bất cứ lúc nào khi mà chủ sở hữu trước hoặc người có liên quan khác khởi kiện đòi tài sản.

– Nếu bạn muốn có phương án an toàn hơn cho mình như yêu cầu đến văn phòng công chứng ký trước mặt công chứng viên, hoặc đòi hỏi thêm những quyền lợi liên quan đến việc đàm phán hợp đồng thì thường sẽ rất khó khăn. Bên bán xe sẽ không mấy khi đồng ý với bạn bởi họ đã cầm tiền cọc trong tay và bất kỳ sự đòi hỏi nào của bạn cũng là lý do để họ tịch thu tiền cọc. Khi đã đặt cọc, hoặc là bạn phải chấp nhận mất lợi thế trong đàm phán và ôm những bất lợi về mình, hoặc là bạn chấp nhận mất tiền cọc. Một điều lạ là rất ít người đi mua xe cũ đặt ra câu hỏi là tại sao mình cầm đủ tiền đi để mua đứt cái xe ngay lập tức mà bên bán lại cứ thuyết phục mình đặt cọc?

– Nếu bạn do dự và cần thêm thời gian suy nghĩ, hoặc sau khi đặt cọc mà bạn rời khỏi nơi bán xe thì bạn có thể đối mặt với một nguy cơ khác, đó là chiếc xe nhanh chóng bị đánh tráo linh kiện, phụ tùng. Chính tôi đã từng bị một gara rất nổi tiếng tại Hà Nội đổi mất toàn bộ 5 lốp xe (kể cả lốp dự phòng) trong thời gian từ lúc đặt cọc đến lúc lấy xe ra về. Khi đi xem xe, chạy thử thì rất êm ái, nhưng lúc lái xe về nhà thì mới biết cả 5 chiếc lốp xe rất mới, còn nguyên gai mà mình đang sử dụng đều bị méo.

  1. Về giấy tờ xe, việc bị làm giả không phải là hiếm, không chỉ làm giả sổ đăng kiểm để che giấu nguồn gốc xe dịch vụ, việc làm giả đăng ký xe cũng khá phổ biến. Nếu giấy tờ xe được xem xét bởi 1 công chứng viên thì ít nhất bạn còn có một người có chuyên môn thẩm định giúp (mặc dù công chứng viên không hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó).

Vậy, kinh nghiệm rút ra khi đi mua xe cũ là gì:

  1. Bạn chỉ nên mua xe cũ nếu bạn thực sự am hiểu về xe, biết tự đánh giá xe. Trường hợp không am hiểu thì nên tìm người thân tín giúp đỡ, hạn chế tối đa việc thuê người thứ ba thẩm định chất lượng xe.
  2. Không phải cứ gara nổi tiếng, tên tuổi là đảm bảo bạn có thể mua được xe tốt và an toàn pháp lý.
  3. Hãy chuẩn bị đủ tiền để khi chọn được xe thì mua luôn, không nên đặt cọc, hoặc nếu buộc phải đặt cọc thì cần phải thỏa thuận rất chi tiết mọi vấn đề trong hợp đồng đặt cọc. Khi chọn được xe và quyết định thì yêu cầu bên bán đến văn phòng công chứng (hoặc bạn mời công chứng của mình) đến công chứng chứ tuyệt đối không sử dụng hợp đồng công chứng khống. Thủ tục có thể sẽ rườm rà hơn một chút nhưng bảo đảm an toàn và công chứng viên sẽ gánh vác trách nhiệm cùng bạn khi có rủi ro pháp lý.
  4. Bạn có thể truy cập đường link này để kiểm tra xem xe có bị thế chấp ở Ngân hàng nào không (https://dktructuyen.moj.gov.vn/dtn_str/search/public/). Mặc dù không phải tất cả các xe thế chấp đều có thể tra cứu nhưng bạn có thêm một kênh thông tin để tham khảo.
  5. Nên nhận và quản lý xe ngay sau khi quyết định mua, không nên tạo cơ hội cho việc gian lận, đổi linh kiện.
  6. Không phải cứ mua xe cũ ở gara là không tốt, không phải tất cả mọi gara đều gian lận, nhưng những nơi làm ăn đàng hoàng sẽ luôn luôn vui vẻ và hợp tác khi bạn đề xuất những phương án an toàn. Nếu đã lỡ đặt cọc mà bên bán nhất nhất ép bạn vào tình thế thiếu an toàn thì bạn cũng đừng cố tiếc vài đồng tiền cọc, vì hậu quả có thể lớn hơn số đó rất nhiều.
  7. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không mua được cái xe này thì khó tìm được cái xe khác ngon hơn – tôi đã từng nghĩ vậy và sau đó luôn luôn thấy mình sai lầm.

Biết và chơi được xe cũ đôi khi cũng là đam mê, là cái thú; tỉnh táo và chơi có hiểu biết thì cuộc vui sẽ trọn vẹn.

___________________________