Chế định về quyền thừa kế trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, được sửa đổi, bổ sung những điểm lớn, cơ bản để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường. Bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung thì cũng có những quy định trong BLDS năm 2005 về di chúc chung của vợ chồng không còn được quy định trong BLDS năm 2015.

Tác giả: PGS,TS. Phùng Trung Tập – Trường Đại học Luật Hà Nội. Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp Số 9 (313), tháng 5, năm 2016.

 

So với số lượng các điều luật của chế định về quyền thừa kế trong BLDS năm 2005, thì BLDS năm 2015 giảm 3 điều quy định về di chúc chung của vợ chồng, gồm các Điều 663, Điều 664 và Điều 668 BLDS năm 2005.

I. Những điều được sửa đổi, bổ sung tại Phần Quy định chung 

Tại Phần Quy định chung, Chương XXI, từ Điều 609 đến Điều 623 BLDS năm 2015, có sửa đổi, bổ sung một số điều so với BLDS năm 2005, cụ thể:

1)Về quyền thừa kế, Điều 609 BLDS năm 2015 bổ sung đoạn hai về người thừa kế là các tổ chức, chủ thể khác ngoài cá nhân: “Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Điều 609 BLDS năm 2015 bổ sung quy định mới, người thừa kế không là cá nhân được thừa kế theo di chúc. Quy định mới này đã hoàn thiện hơn và nhằm nhấn mạnh quyền tự định đoạt của người lập di chúc có quyền chỉ định một tổ chức hưởng di sản của mình sau khi chết. Tên của Điều 609 BLDS năm 2015 đã có tính khái quát hơn về quy định quyền thừa kế, mà không áp đặt như tên gọi và nội dung của Điều 631 BLDS năm 2005. Điều 631 BLDS năm 2005 quy định về quyền thừa kế của cá nhân. Nếu xét về quyền của người thừa kế, thì người thừa kế là cá nhân có thể được thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, nhưng quyền của người lập di chúc còn là quyền định đoạt tài sản của mình theo di chúc cho chủ thể khác ngoài cá nhân như Nhà nước, các tổ chức khác. Tên gọi và nội dung quy định tại Điều 609 BLDS năm 2015 đã điều chỉnh toàn diện quyền của người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Quy định của điều luật nhằm tôn trọng và bảo đảm cho cá nhân, các tổ chức và Nhà nước có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người để lại di sản. Mặt khác, điều luật cũng bảo đảm cho cá nhân có quyền lập di chúc để tự định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ chủ thể nào mà không phụ thuộc vào việc chủ thể được chỉ định thừa kế theo di chúc có thuộc diện và hàng thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thừa kế hay không.

2) Điều 618 (Điều 640 BLDS năm 2005) quy định về quyền của người quản lý di sản, bổ sung điểm c khoản 2 và bổ sung khoản 3 (điểm c: “Được thanh toán chi phí bảo quản”; khoản 3: “Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”. Quy định này rõ ràng hơn quy định tại Điều 638 BLDS năm 2005 về người quản lý di sản.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người quản lý di sản trong “Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản” (Khoản 2 Điều 616 BLDS năm 2015), Luật quy định người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Từ thời điểm mở thừa kế, cho đến khi di sản thừa kế được chia cho những người thừa kế có quyền hưởng hoặc theo di chúc hoặc theo pháp luật là một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, việc quản lý di sản thừa kế chưa chia là thật sự cần thiết, tránh mất mát, hao hụt, hư hỏng. Vì vậy, nhằm bảo quản di sản thừa kế chưa chia, người quản lý di sản có thể tìm những giải pháp tốt nhất để bảo quản di sản, những giải pháp bảo quản di sản cần phải mua sắm vật liệu che mưa, che nắng, bảo quản tránh hư hỏng, hao hụt, tiêu hủy theo thời gian trong môi trường cụ thể hoặc phải thuê kho, thuê mặt bằng để tập kết và bảo quản di sản là những động sản, xây dựng hàng rào để bảo quản nhà cửa, bảo vệ vật nuôi, bảo quản cây trồng và những tài sản thuộc di sản thừa kế. Vì vậy, quy định cho người quản lý di sản được hoàn trả những chi phí bảo quản di sản, mà người quản lý di sản đã chi là hợp lý. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 618 BLDS năm 2015 thì lợi ích của người quản lý di sản được xác định dựa trên căn cứ: “Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế”. Khoản 3 Điều 618 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không đạt được thỏa thuận với người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”. “Một khoản thù lao hợp lý”phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng vụ việc để Tòa án có căn cứ quyết định. Tính hợp lý của khoản thù lao này phải dựa trên những căn cứ như: Loại tài sản, quy mô, giá trị, chủng loại tài sản, thời gian quản lý, thực trạng tài sản trong thời gian quản lý, tình hình an ninh, trật tự trong khu vực có tài sản là di sản thừa kế, tính phức tạp và mức độ phức tạp khi thực hiện việc quản lý di sản thừa kế mà người quản lý di sản phải thực hiện để bảo tồn tài sản… Với những cơ sở thực tế này, Tòa án xem xét và ấn định số tiền thù lao mà những người thừa kế có nghĩa vụ thanh toán cho người quản lý di sản. Khoản tiền thù lao trả cho người quản lý được trích ra từ di sản thừa kế.

3) Tài sản không có người thừa kế: Điều 622 BLDS năm 2015 quy định về tài sản không có người nhận thừa kế: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”. Quy định này tinh tế hơn vì không mang tính chất của một quy phạm mệnh lệnh như Điều 644 BLDS năm 2005: “Tài sản không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước”.

Điều 622 BLDS năm 2015 đã dự liệu trường hợp di sản thừa kế không có người nhận phát sinh trong trường hợp tất cả người thừa kế đều đã chết, đều từ chối quyền hưởng, đều không có quyền hưởng, đều bị truất quyền hưởng di sản mà không thuộc người được thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, những người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621, thì tài sản không có người thừa kế thuộc về Nhà nước. Nhà nước với tư cách chủ thể tiếp nhận tài sản vô chủ, Nhà nước không phải là người thừa kế.

4) Thời hiệu thừa kế (Điều 623 BLDS năm 2015), quy định được sửa đổi hoàn toàn mới so với quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế tại Điều 645 BLDS năm 2005. Điều 623 quy định:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Quy định về thời hiệu thừa kế tại Điều 623 BLDS năm 2015 nhằm bảo vệ quyền dân sự về tài sản của người thừa kế, không phụ thuộc vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005. Nếu theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005, thì quyền thừa kế của một hoặc nhiều chủ thể bị đình chỉ vì không khởi kiện trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này đã làm hạn chế quyền dân sự của người thừa kế do hạn định về thời hiệu khởi kiện trong hạn 10 năm. Vì vậy, quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 về thời hiệu thừa kế là một quy định nhằm điều chỉnh hữu hiệu trong việc bảo đảm cho quyền dân sự được thực hiện chính đáng trong quan hệ thừa kế di sản. Những nét cơ bản của quy định này có thể xác định như sau:

Trước hết, trong hạn 30 năm, người thừa kế (theo di chúc và theo pháp luật) có quyền yêu cầu chia di sản là bất động sản; trong thời hạn 10 năm người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản là động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, trong hạn 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản là di sản thừa kế chưa chia, thì những người thừa kế hợp pháp của người để lại di sản có quyền yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, trong thời hạn đã xác định, mà những người thừa kế không yêu cầu chia di sản, thì khi đó di sản thừa kế thuộc về người thừa kế đang quản lý.

Thứ hai, trường hợp không có người quản lý di sản thừa kế, thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu,trừ trường hợp Bộ luật này, các luật khác có liên quan quy định khác (Điều 326 BLDS năm 2015 – Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật).

Thứ ba, disản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 và theo quy tại Điều 236 BLDS năm 2015.

Thứ tư, theo quy định tại khoản 2 Điều 623 BLDS năm 2015, thì: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận tư cách chủ thể có quyền hưởng di sản, đồng thời trong thời hạn này, người thừa kế có quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Thời hiệu 10 năm là điều kiện thời gian để người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật có quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là người có quyền hưởng di sản, còn việc chia di sản hay không chia di sản là tùy thuộc vào ý chí của người thừa kế trong thời hiệu thừa kế theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015. Quyền thừa kế là quyền dân sự của cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật, quyền thừa kế của chủ thể khác ngoài cá nhân được chỉ định thừa kế theo di chúc, có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế trong hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thứ năm, theo quy định tại khoản 3 Điều 623 BLDS năm 2015 thì: “Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Quy định về quyền của các chủ nợ của người để lại di sản vẫn giữ thời hạn là 03 năm, như quy định tại đoạn 2 Điều 645 BLDS năm 2005.

II. Thừa kế theo di chúc  

Chương XXII – BLDS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung khác với quy định trong BLDS năm 2005 về các điểm:

1) Về người lập di chúc: Khoản 1,Điều 625 BLDS năm 2015khác với quy định tại Điều 647 BLDS năm 2005: “1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”.

Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế là bấtkỳ ai, nếu việc lập di chúc của cá nhân tuân theo những quy định tại Điều 630 BLDS năm 2015 về di chúc hợp pháp.

2) Hình thức của di chúc:Điều 627 BLDS năm 2015 đã được loại bỏ đoạn cuối quy định trường hợp rất riêng biệt là người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc bằng tiếng nói của mình được quy định tại Điều 649 BLDS năm 2005. Việc loại bỏ quy định này trong BLDS là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, cá nhân có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình là quyền của công dân được pháp luật bảo hộ, không cần thiết phải quy định trong BLDS. Hơn nữa, trong tố tụng dân sự, người dân tộc thiểu số có quyền tranh tụng bằng tiếng nói của dân tộc mình và thông qua hình thức có người phiên dịch. Quy định cá biệt này đã vô tình tạo ra sự phân biệt không cần thiết giữa những cá nhân thuộc các dân tộc khác nhau, có bản sắc và văn hóa dân tộc khác nhau. Hơn nữa, mọi công dân đều được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ dân sự bình đẳng với nhau trong một quan hệ pháp luật dân sự nhất định. Bản chất của quan hệ pháp luật dân sự về chủ thể không phân biệt thành phần dân tộc, địa vị xã hội, hoàn cảnh sống, trình độ chuyên môn, giới tính… khi thỏa mãn các điều kiện là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, thì đều có các quyền và nghĩa vụ dân sự ngang nhau.

3) Di chúc miệng: Điều 629 BLDS năm 2015 quy định về di chúc miệng:

“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”.

Điều 629 BLDS năm 2015 bỏ quy định: “Do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác”, mà khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2005 quy định. Việc loại bỏ quy định này tạo ra một quy định ngắn gọn, chặt chẽ và dễ áp dụng hơn trong việc giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế theo di chúc miệng. Bởi vì, quy định: “Do bệnh tật và các nguyên nhân khác”, rất chung chung, khó xác định và có thể còn bị suy luận sai.

4) Nội dung của di chúc: Điều 631 BLDS năm 2015 bỏ các chữ “bằng văn bản”; bỏ đoạn cuối điểm c khoản 1 Điều 653 BLDS nă m2005: “Hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản”; bỏ điểm đ khoản 1: “Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ”; bổ sung khoản 2 Điều 631: “2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác”; bổ sung đoạn cuối khoản 3: “Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.

Nội dung của di chúc thể hiện rõ việc thể hiện quyền tự định đoạt của người lập di chúc, cho nên không cần thiết phải cá biệt hóa các hình thức của di chúc. Việc loại bỏ các từ: “bằng văn bản”, để quy định chặt chẽ hơn, khái quát hơn về nội dung của di chúc. Bỏ quy định không phù hợp với hiệu lực của di chúc, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 653 BLDS năm 2005 là cần thiết. Bởi vì, người được chỉ định thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, pháp nhân, các tổ chức khác là chủ thể có quyền hưởng di sản theo di chúc, mà không cần phải đặt điều kiện cho các chủ thể khác nhau được chỉ định hưởng di sản theo di chúc.

Việc bổ sung khoản 2 Điều 631 BLDS năm 2015 (Điều 653 BLDS năm 2005) đã khái quát đầy đủ quyền định đoạt của người lập di chúc, theo đó nội dung của di chúc được mở rộng và thể hiện đầy đủ nhất ý nguyện của người lập di chúc. Vì nội dung của di chúc không chỉ trong phạm vi định đoạt tài sản, mà còn có thể là sự thể hiện ý nguyện nào đó của người lập di chúc, cần được tôn trọng, bảo vệ.

5) Người làm chứng cho việc lập di chúc: Điều 632 BLDS năm 2015 bổ sung thêm một đối tượng: “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Cá nhân có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì không thể là người làm chứng việc lập di chúc của người khác. Vì nhận thức của cá nhân này có hạn, không ổn định cho nên có thể bị lạm dụng và thiếu khách quan trong việc làm chứng việc lập di chúc của người khác. Quy định này hoàn toàn phù hợp với đời sống thực tế trong xã hội và ngăn chặn hữu hiệu sự lợi dụng cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi lại là người làm chứng việc lập di chúc của cá nhân khác.

6) Di chúc bị thất lạc, hư hại: Điều 642 BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định tại khoản 3:“Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu”.

Việc bổ sung khoản 3 Điều 642 nhằm làm rõ sự tôn trọng giá trị hiệu lực của di chúc trong một hoàn cảnh cụ thể, đồng thời tôn trọng quyền của người được chỉ định thừa kế theo di chúc. Mặt khác, quy định này nhằm bảo vệ quyền định đoạt của người lập di chúc, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân người lập di chúc và của người thừa kế theo di chúc.

7) Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Điều 644 BLDS năm 2015 bỏ đoạn cuối Điều 669 BLDS năm 2005:“Trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này”.  Việc sửa đổi quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 669 BLDS năm 2005, Điều 644 BLDS năm 2015 đã chặt chẽ hơn, thể hiện tính nhất thể hóa của chế định thừa kế cả về nội dung và hình thức thể hiện điều luật.

8) Di tặng: Điều 646 BLDS năm 2015 bổ sung khoản 2:“Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Khoản 2 Điều 646 BLDS năm 2015 đã dự liệu đầy đủ trường hợp chủ thể được di tặng không những là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, mà còn là người được sinh ra sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di tặng chết. Chủ thể được di tặng không phải là cá nhân thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người lập di chúc để lại phần di sản di tặng cho cá nhân, pháp nhân với ý nghĩa để kỷ niệm hoặc hàm ơn, thỏa mãn ý nguyện của người để lại di tặng.

9) Giải thích nội dung của di chúc: Điều 648 BLDS năm 2015 bỏ “người công bố di chúc”, không phải là người giải thích nội dung của di chúc; bỏ quy định: “coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật” trong BLDS năm 2005. Quy định rõ hơn: “Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Quy định tại Điều 648 là quy định chặt chẽ, rõ ràng trong việc xác định người công bố di chúc không phải là người giải thích nội dung của di chúc, vì người công bố di chúc chỉ thực hiện nghĩa vụ công bố di chúc và hoàn toàn độc lập với những người thừa kế. Việc giải thích nội dung của di chúc thuộc về những người thừa kế theo di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đó của người để lại di chúc. Những người thừa kế theo di chúc không nhất trí về cách hiểu nội dung của di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định này nhằm bảo đảm cho các quyền dân sự và quyền khởi kiện dân sự của người thừa kế được bảo đảm thực hiện trong việc chia di sản theo di chúc.

10) Những luận điểm về việc không quy định di chúc chung của vợ chồng trong BLDS năm 2015

Về  di chúc chung của vợ chồng được quy định tại các Điều 663, Điều 664 và Điều 668 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, xung quanh những quy định trên còn nhiều vấn đề chưa thật phù hợp trong đời sống xã hội hiện đại. Trên thực tế, tòa án nhân dân các cấp trong thời gian từ năm 2006 đến nay, khi giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế liên quan đến di chúc chung của vợ chồng đã gặp không ít khó khăn về hiệu lực di chúc chung của vợ chồng. Vì vậy, BLDS năm 2015 đã không quy định về di chúc chung của vợ chồng là phù hợp với đời sống kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Về quyền lập chung di chúc của vợ chồng, Điều 663 BLDS năm 2005 quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản của mình”. Với tư cách là đồng sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản, vợ và chồng có quyền định đoạt tài sản của mình bằng nhiều phương thức, trong đó có quyền định đoạt tài sản của vợ chồng bằng cách lập di chúc. Quy định tại Điều 663 BLDS năm 2005, xét về hình thức và nội dung hoàn toàn không có điều gì khác biệt so với những quy định về quyền và nghĩa vụ của các đồng sở hữu chủ đối với tài sản chung được BLDS quy định. Là đồng sở hữu chủ đối với tài sản, vợ và chồng có quyền định đoạt tài sản chung bằng cách lập di chúc, quy định đó không cần bàn luận thêm. Vấn đề chúng tôi quan tâm là quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Về hình thức của điều luật không có gì đáng bàn nhưng nội dung của điều luật được áp dụng như thế nào trong thực tế của đời sống xã hội thì còn nhiều vấn đề cần được bàn luận. Những vấn đề cần được bàn luận là căn cứ vào nội dung của Điều 668 BLDS năm 2005:

a) Xét về hiệu lực của di chúc: Di chúc chỉ thi hành được kể từ thời điểm mở thừa  kế, đó là thời điểm người để lại di sản chết hoặc được xác định là đã chết theo một bản án tuyên bố người đó chết có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 668 BLDS năm 2005, dường như các nhà làm luật chỉ chú tâm vào thời điểm có hiệu lực của di chúc chung đó mà không quan tâm đến tính hiện thực và nguyên tắc pháp luật thừa kế đồng thời không có sự cá biệt hoá từng chủ thể là vợ hoặc chồng đã cùng lập di chúc chung.

Theo quy định tại Điều 668 BLDS năm 2005, thì di chúc do vợ chồng lập chung chỉ có hiệu lực thi hành từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Trên thực tế, đối với một cặp vợ chồng cụ thể nào đó lập chung di chúc nhưng sau đó hoặc là người vợ chết trước hoặc là người chồng chết trước (sự kiện phổ biến trong cuộc sống) thì việc chia di sản của người chết trước đó là do những người có quyền thừa kế yêu cầu, khi họ đã không thể thoả thuận được và về mặt tâm lý, những người thừa kế theo di chúc cũng không thể đợi chờ lâu hơn, do việc hưởng di sản thôi thúc họ. Hơn nữa, người vợ hoặc người chồng của người chết trước tuổi còn trẻ, theo quy luật của sự sống, người này có thể còn sống 5 năm, 10 năm, 20 năm… thậm chí còn lâu hơn. Với thời gian lâu như vậy, những người thừa kế theo di chúc có thể kiên trì chờ đợi được chăng? Câu trả lời thông thường là không hoặc khó đợi chờ! Hơn nữa, di sản thừa kế chưa được chia do người sau cùng là vợ hoặc chồng chưa chết và do hiệu lực của di chúc vợ chồng lập chung thì hiệu quả sử dụng tài sản do người còn sống đang quản lý có thể lãng phí và có thể giảm sút bởi nhiều lý do không thể lường trước được. Quan hệ thừa kế di sản là quan hệ tài sản mang tính chất ý chí và ý chí của những người thừa kế là được chia di sản nhưng lại bị ngăn chặn bởi luật định. Quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng là quy định không phù hợp với thực tế, đồng thời còn là quy định vi phạm nguyên tắc chung của pháp luật thừa kế. Với quy định này, các nhà làm luật muốn ngăn chặn sự mất ổn định trong quan hệ gia đình nhưng đó chỉ là ý chí chủ quan, không phù hợp với quan hệ xã hội hiện nay. Bởi vì, những người thừa kế theo di chúc luôn quan tâm đến việc mình được hưởng bao nhiêu và khi nào được nhận di sản theo di chúc, nhưng người thừa kế theo di chúc chưa thể nhận di sản từ di chúc do vợ chồng lập chung mà người vợ hoặc người chồng còn sống. Quy định tại Điều 668 BLDS năm 2005 đã gián tiếp tạo ra những điều kiện cho những bất ổn trong quan hệ giữa những người thừa kế theo di chúc chung của vợ chồng và người quản lý di sản.

b) Về di sản thừa kế chưa chia: Do hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng xác định từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết vì vậy người vợ hoặc người chồng còn sống vẫn quản lý, sử dụng tài sản chung. Người vợ hoặc người chồng còn sống vừa với tư cách là người sở hữu phần tài sản của mình, vừa với tư cách sử dụng tài sản của những người thừa kế theo di chúc, phần tài sản mà người thừa kế theo di chúc được hưởng nhưng chưa được chia. Một câu hỏi được đặt ra là hiệu lực của di chúc phát sinh từ thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản nhưng do người đó đã lập chung di chúc với vợ hoặc chồng của mình mà hiệu lực chia tài sản thừa kế của người chết trước chưa thể thực hiện được. Quy định này không phù hợp với đời sống thực tế và hiệu quả điều chỉnh không thể cao. Không nên hiểu di sản thừa kế luôn tồn tại ở dạng tĩnh mà di sản phải được đặt trong mối liên hệ với xã hội sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và di sản phải được khai thác để phát sinh lợi nhuận. Trong chừng mực nhất định, di sản thừa kế chưa được chia còn được hiểu như khoản vốn cần phải được sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, di sản chỉ được chia sau khi người vợ hoặc người chồng là người sau cùng chết hoặc cả hai vợ chồng cùng chết vào một thời điểm, trong thời gian người vợ hoặc người chồng còn sống đã sử dụng di sản chưa chia của người chồng hoặc của người vợ chết trước vào sản xuất kinh doanh, thu được những lợi nhuận thì lợi nhuận đó là di sản thừa kế hay thuộc quyền sở hữu của người vợ hoặc người chồng còn sống đó? Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì tính chất của di sản thừa kế không đơn thuần là loại tài sản nhất định nào đó mà di sản trước hết là tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS năm 2005.

c) Với tư cách đồng sở hữu chung hợp nhất tài sản thì vợ và chồng có quyền định đoạt tài sản chung bằng cách lập chung di chúc. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ sự định đoạt chung đó bất cứ lúc nào do vợ và chồng của người lập di chúc chung tự định đoạt, cũng là quy định phù hợp với đời sống xã hội. Tuy nhiên, đoạn cuối, khoản 2 Điều 664 BLDS năm 2005 đã mở ra khả năng thừa nhận vợ chồng có quyền lập di chúc riêng, khi người chồng hoặc người vợ lập di chúc chung cùng mình đã chết. Quy định này phù hợp với quan hệ xã hội về tài sản và có tính hiện đại nhưng chưa dự liệu hết được những tình huống khác có thể phát sinh: Thứ nhất, vợ chồng cùng lập chung di chúc nhưng sau đó tự chồng hoặc vợ lại lập di chúc riêng mà chưa thoả thuận huỷ di chúc lập chung thì di chúc riêng đó có giá trị pháp lý không? Thứ hai, nếu di chúc lập chung trái pháp luật thì di chúc của vợ hoặc của chồng lập riêng có giá trị thi hành sau khi người vợ hoặc người chồng chết không?

BLDS năm 2015 không quy định về di chúc chung của vợ chồng, đã loại bỏ được những phức tạp do chính quy định của pháp luật làm phức tạp hóa một loại quan hệ dân sự đã quá rõ ràng và phổ biến trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay.

III. Về thừa kế theo pháp luật

Chương XXIII(từ Điều 649 đến Điều 655 BLDS năm 2015), gồm 7 điều quy định về thừa kế theo pháp luật, không có sửa đổi, bổ sung mà vẫn giữ nguyên những quy định về thừa kế theo pháp luật quy định tại chương XXIV, từ Điều 674 đến Điều 680 BLDS năm 2005.

IV. Thanh toán và phân chia di sản (Chương XXIV) 

Quy định tại Điều 661 BLDS năm 2015 về hạn chế phân chia di sản, có sửa đổi Điều 686 BLDS năm 2005.Theo quy định tại Điều 661 BLDS năm 2015, sửa đổi đoạn cuối Điều 686 BLDS năm 2005 cho rõ hơn:“Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”.

Quy định hạn chế phân chia di sản nhằm bảo vệ sự bình ổn trong quan hệ gia đình sau khi người để lại di sản chết không những về tình cảm, mà còn về tài sản là di sản thừa kế. Vì vậy, việc quy định gia hạn một lần không quá 03 năm, theo đó thời hạn tối đa về hạn chế phân chia di sản là 06 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hạn này là điều kiện thời gian để khắc phục những khó khăn trong đời sống lao động, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và ổn định định cuộc sống của cá nhân hoặc gia đình. Vì vậy, quy định về thời hạn hạn chế phân chia di sản không những dự liệu giải quyết được những trường hợp thực tế, mà còn nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của những người thừa kế.

Chế định về quyền thừa kế trong BLDS năm 2015 nhằm điều chỉnh có hiệu quả quan hệ thừa kế trong xã hội hiện đại. Có những quy định của BLDS năm 2005 được sửa đổi, có những quy định mới được bổ sung và có những quy định bị loại bỏ. Những quy định của Phần thứ tư – Thừa kế, trong BLDS có kế thừa, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ những quy định không phù hợp, vì vậy quy định về thừa kế trong BLDS năm 2015 chắc chắn sẽ điều chỉnh có hiệu quả quan hệ về thừa kế ở Việt Nam theo cơ chế thị trường, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và quyền thừa kế luôn luôn được bảo đảm thực hiện./.

 

___________________________