Có nên theo học lớp công chứng viên hay không? Đó là câu hỏi mà thời gian vừa qua tôi thường xuyên nhận được từ các em, các bạn và cả các anh chị lớn tuổi.
Tất nhiên, khi hỏi tôi, mọi người tin tưởng và mong chờ câu trả lời khách quan hơn là một lời động viên. Thế nên, dù không muốn lắm, nhưng tôi nghĩ rằng mình cần có một vài ý kiến để các anh chị, các bạn có thêm thông tin tham khảo trước khi đưa ra quyết định.

1 – Nghề công chứng dường như đang hot?

Đúng như vậy, khi Chính phủ chủ trương bỏ quy hoạch ngành, một số địa phương đã cấp phép thành lập thêm các văn phòng công chứng. Việc tiếp nhận các đề án thành lập mới cần một số lượng lớn công chứng viên tham gia. Công chứng viên đang thiếu, đó là sự thật, tôi không nói đến những con số trên báo cáo vì nó rất khó nhớ, nhưng cứ nhìn việc các “chủ đầu tư” nháo nhào đi tìm công chứng viên và trả mức lương theo năm tăng dần trong thời gian gần đây là có thể cảm nhận được (tôi nói chủ đầu tư đây cho dễ hiểu, nó gồm cả các công chứng viên bỏ tiền đầu tư mở văn phòng lẫn các chủ đầu tư mà pháp luật không thừa nhận). Mức lương có thể dao động từ 300tr đến cả tỷ đồng cho 1 năm tùy vào hồ sơ và số điểm mà công chứng viên đáp ứng được cho đề án thành lập mới, đây chính là những con số mà ai cũng cho rằng nó rất hấp dẫn. Nhiều CCV trong biên chế nhà nước đã xin nghỉ để tham gia các đề án thành lập VPCC tại khắp các tỉnh, thành phố. Theo quy luật cung, cầu thì cũng dễ hiểu khi nghề CCV đang hot.

2 – Có nên theo học nghề công chứng không?

Có chứ, công chứng, luật sư, thừa phát lại, đấu giá viên, quản tài viên … học được cái gì thì đều nên học cả, bởi vì nếu xác định theo nghề luật thì một tấm bằng cử nhân luật thôi chắc chắn là chưa đủ. Tuy nhiên, học và theo nghề là hai việc hoàn toàn khác nhau, mặt khác không phải cứ đi học công chứng là phải làm công chứng, rất nhiều luật sư đi học công chứng và ngược lại vì sự bổ trợ rất hữu ích cho nhau về mặt kỹ năng và chuyên môn. Nghề công chứng đang hot, nhưng bạn có theo được không thì phụ thuộc rất nhiều vào bạn, vào những gì bạn đã có, đang có và kế hoạch sắp tới của bạn.

Để có thể được bổ nhiệm, bạn cần ít nhất 1 năm theo học tại HV Tư Pháp, 1 năm tập sự và khoảng 1 năm chờ đợi + thi sát hạch + xin bổ nhiệm + chờ kết quả bổ nhiệm >> sơ sơ là khoảng 3 năm. Tất nhiên là cho đến lúc đó bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian công tác pháp luật (đủ 5 năm tính theo hồ sơ bảo hiểm – công việc liên quan trực tiếp đến pháp luật).

Tỷ lệ trượt kỳ thi sát hạch vừa qua là khoảng trên 60%, việc tổ chức và chấm thi được đánh giá là chặt chẽ và nghiêm túc. Nhiều thí sinh kêu ca là đề thi khó, mang tính đánh đố, tuy nhiên tôi cho rằng, so với làm nghề thực tế thì việc ra đề như vậy là phù hợp; các tình huống trên thực tế đa dạng và còn phức tạp hơn, rủi ro là phải trả giá bằng tiền mặt và đối diện với cơ quan điều tra ngay. Tỷ lệ thi trượt cao chủ yếu do chất lượng thí sinh rất thấp, nói thẳng là do không chịu học hoặc thiếu nghiêm túc trong học tập. Rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện dự thi do các “bác” copy báo cáo kết thúc tập sự một cách thô thiển, thiếu tôn trọng người đọc. Học lớp đào tạo CCV là học về kỹ năng, đòi hỏi học viên phải có kiến thức nền, thế nhưng ngoại trừ một số anh chị/bạn đã có kinh nghiệm hành nghề luật sư hoặc công chứng, đa phần học viên quên sạch kiến thức cơ bản. Chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp mặc dù đã được thiết kế để cho các anh chị và các bạn gợi nhớ lại kiến thức cơ bản về luật nội dung, nhưng nó không thể bù lấp được những khoảng rỗng mênh mông ngay từ khi học đại học. Nếu các bạn chưa vững kiến thức nền, đi học lớp đào tạo nghề công chứng dù có tốt nghiệp được cũng chỉ để có cái chứng chỉ chứ không có gì bảo đảm là các bạn có thể qua được kỳ thi sát hạch CCV.

Nói vậy để thấy rằng, việc học và trở thành CCV cần một quá trình nghiêm túc và thực chất, cần thời gian chuẩn bị chứ không theo kiểu ngẫu hứng, thấy hot thì theo được. Nếu mục tiêu của bạn là có thẻ CCV để cho thuê một năm được vài trăm triệu và lấy đó làm động lực để đi học lớp CCV vào thời điểm hiện tại thì sẽ là một quyết định sai lầm bởi những lý do sau:

Thứ nhất: Bạn có thể nhìn thấy thu nhập của ai đó rất tốt vào lúc này, nhưng đó là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước, nếu bây giờ mới bắt đầu thì bạn đã đi sau rất nhiều, chẳng khác gì bạn ôm coin mà “đu đỉnh”.

Thứ hai: Chẳng có nghề gì hot mãi, nó chỉ có tính thời điểm thôi, 3 năm sau nghề công chứng sẽ có rất nhiều thay đổi (dự kiến Luật Công chứng sẽ được thay đổi vào năm 2024 và có hiệu lực vào năm 2025).

Thứ ba: Nói là hot, nhưng thu nhập thực tế của CCV hiện nay so với các ngành khác cũng chỉ ở mức “xoàng xoàng”, tương đương với mức thu nhập của trưởng phòng hoặc thợ chuyên môn lành nghề ở các doanh nghiệp chứ chưa thể so với cán bộ quản lý cấp trung. Trong khi đó, yêu cầu về điều kiện hành nghề và mức độ chịu trách nhiệm của CCV thì không hề nhỏ. Người ta rất ít khi thống kê được số lượng CCV phải đền bù, thậm chí phải lâm vào cảnh tù tội, tự tử khi mắc sai lầm nghề nghiệp, nhưng những rủi ro đó đều đã xảy ra. Một điều chắc chắn ít CCV nào trong cuộc đời mà không vài lần phải đối diện với cơ quan điều tra hay tòa án. Hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ giữ tâm thế như thế nào trong những hoàn cảnh đó. Hãy cân nhắc xem bạn có thể chấp nhận đối diện và vượt qua những thử thách đó vì một mức thu nhập như các CCV hiện tại hay không?

Công chứng được cho là một nghề cao quý (Quy tắc đạo đức nghề nghiệp CCV nói thế – không phải tôi nói), nhưng cũng lại là một nghề rất mong manh và dễ bị tổn thương. Bạn sẽ không phải là “thẩm phán” gì gì đó như ai đó vẫn nói. Bạn cũng đừng nghĩ mình là “người mang quyền lực nhà nước” mà tự hào. Nói thẳng ra, công chứng cũng giống như nhiều nghề khác, CCV cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện đặc biệt mà thôi. Thu nhập của bạn, vị trí của bạn do thị trường quyết định một phần, phần còn lại do năng lực của bạn.

Nếu bạn thực sự muốn theo nghề công chứng bằng việc bắt đầu đi học nghề, bạn cần ít nhất 3 năm – hãy sử dụng 3 năm đó để tiếp xúc với công chứng nhiều nhất có thể. Bạn cần thực sự hiểu về nó, ăn, ngủ, thở với nó trước khi quyết định có theo hay không.

___________________________