Hoạt động công chứng cũng không phải ngoại lệ, bên cạnh loại hình công ty hợp danh, pháp luật cần ghi nhận CCV có quyền lựa chọn loại hình: công ty hợp vốn đơn giản, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân để áp dụng đối với VPCC

Nguyễn Văn Mích
NCS tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giảng viên kiêm nhiệm Khoa Đào tạo Công chứng và các chức danh tư pháp khác thuộc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp

Công ty hợp danh là loại hình công ty xuất hiện sớm nhất trong lịch sử hình thành các loại hình công ty. Xét về bản chất, công ty hợp danh (general partnership) đúng nghĩa là sự liên kết của các thương nhân đơn lẻ (sole trader hay sole proprietorship) để kinh doanh dưới một tên hãng chung[1]. Trong công ty hợp danh chỉ có một loại thành viên duy nhất đó là thành viên hợp danh, các thành viên hợp danh đều có tư cách thương nhân, những ai không đủ điều kiện để trở thành thương nhân thì không thể trở thành thành viên của công ty hợp danh. Công ty hợp danh là loại hình công ty mà các thành viên dễ gặp rủi ro nhất bởi vì các thành viên công ty phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ tài sản của công ty. Công ty hợp danh cũng là loại hình công ty kém “bền vững” bởi nó phụ thuộc vào tính chất đối nhân giữa các thành viên công ty, công ty có thể bị giải thể trong trường hợp có thành viên bị chết hoặc không còn tư cách thương nhân; việc bổ sung thành viên mới phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên công ty.

Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng số: 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 (Luật Công chứng năm 2006), cả nước đã thành lập được 487 VPCC, trong đó có tới 352 VPCC hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và 135 VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Như vậy, thực tiễn cho thấy, tỷ lệ VPCC hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 72% trên tổng số VPCC được thành lập, cao gấp 2,6 lần so với VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Điều đáng lưu ý là cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có VPCC được thành lập nhứng có tới 43/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tồn tại VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh[2]. Như vậy, dựa trên mối tương quan giữa loại hình công ty hợp danh và loại hình doanh nghiệp tư nhân, thì loại hình công ty hợp danh đã không được ưu tiên lựa chọn để áp dụng đối với VPCC ở nước ta. Loại hình doanh nghiệp tư nhân được các CCV “ưu ái” hơn. Tuy nhiên, Luật  Công chứng năm 2014 đã “bức tử” và không cho phép VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Có quan điểm cho rằng hoạt động công chứng là hoạt động cung cấp dịch vụ công, mang tính phục vụ xã hội và không vì mục đích lợi nhuận. Những người theo quan điểm này còn cho rằng: “Văn phòng công chứng là một tổ chức “đối nhân” chứ không phải “đối vốn”, các công chứng viên hoạt động trên cơ sở uy tín chứ không phải trên số phần vốn góp, nếu quy định có thành viên góp vốn tham gia vào Văn phòng công chứng sẽ không đảm bảo được tính khách quan của hoạt động công chứng bởi lẽ, những người góp vốn có thể dùng số vốn góp của mình để chi phối, điều khiển hoặc “ép” các công chứng viên thực hiện hành vi công chứng sai trái hoặc không bảo đảm chất lượng” [3]. Trái với quan điểm vừa nêu, quan điểm đối lập lại cho rằng VPCC cũng là một doanh nghiệp, công chứng viên (CCV) phải tự bỏ vốn để đầu tư, không có sự bao cấp của Nhà nước, nên dù cung cấp dịch vụ công thì hoạt động của VPCC cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Lợi nhuận có lẽ là mục tiêu đầu tiên mà CCV hướng tới khi thành lập hoặc nhận chuyển nhượng VPCC; Lợi nhuận được đánh đổi bởi chính những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động công chứng. VPCC hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép VPCC thuê CCV làm việc, quy định đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng (PCC) hay chuyển nhượng VPCC. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này bởi nếu không có lợi nhuận thì chắc chắn sẽ không có ai bỏ vốn ra để thành lập VPCC, nhận chuyển nhượng VPCC hoặc nhận chuyển đổi PCC. Hơn nữa, VPCC có phải là tổ chức “đối nhân” hay tổ chức “đối vốn” phụ thuộc vào quan điểm lập pháp và sự lựa chọn của nhà đầu tư chứ không bắt nguồn từ hoạt động công chứng.

Pháp luật không thừa nhận thành viên góp vốn trong VPCC, mà thực chất là không thừa nhận loại hình công ty hợp vốn đơn giản (hay còn gọi là công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn) nhưng trên thực tế  sự “kết duyên” giữa thành viên góp vốn với CCV diễn ra tương đối phổ biến, nhà đầu tư không phải CCV sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thỏa thuận “ngầm” với CCVHD để bỏ vốn đầu tư vào VPCC dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Dưới đây là một số cách thức hợp tác:

Thứ nhất: Một hoặc nhiều nhà đầu tư không phải CCV đầu tư 100% vốn để thành lập hoặc nhận chuyển nhượng VPCC. Theo đó, nhà đầu tư thuê từ 02 CCV trở lên đứng tên thành viên hợp danh, các CCV này mang danh nghĩa CCVHD, thực tế họ chỉ là người làm thuê cho nhà đầu tư, CCVHD không phải bỏ vốn nhưng được hưởng lương hoặc lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận với nhà đầu tư. Vai trò, quyền hạn của nhà đầu tư được xác lập theo sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với các CCVHD và mang tính chất “nội bộ”.

Thứ hai: Một CCV đầu tư 100% vốn để thành lập hoặc nhận chuyển nhượng VPCC. Dưới cách thức này thì chỉ có duy nhất một CCV bỏ toàn bộ vốn ra để đầu tư,  CCVHD khác chỉ là “danh nghĩa”, họ có thể là người làm thuê hoặc người cho “mượn danh” hoặc người cho “thuê danh” để thỏa mãn điều kiện về số lượng thành viên hợp danh trong VPCC theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: CCVHD và nhà đầu tư không phải là CCV cùng bỏ vốn để thành lập hoặc nhận chuyển nhượng VPCC theo tỷ lệ vốn góp và phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận.

Sự tham gia của thành viên góp vốn tại VPCC không được pháp luật công nhận, hợp danh nhưng không chính danh, quyền và lợi ích của thành viên góp vốn không được pháp luật bảo vệ. Trên thực tế đã phát sinh nhiều tranh chấp giữa CCVHD và người góp vốn làm xáo trộn hoạt động của cơ quan công chứng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “Văn phòng công chứng Đống Đa nhận góp vốn có sai luật?”[4] đăng trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ,“Góp vốn vào văn phòng công chứng tư: Luật chưa dự liệu, khó giải quyết tranh chấp” [5] đăng trên trang báo điện tử Báo Mới.com, “Văn phòng công chứng Mỹ Tho đóng cửa do đâu?”[6]  đăng trên Báo điện tử Ấp Bắc, “Đằng sau những rắc rối tại văn phòng công chứng Hưng Quảng”[7] đăng trên Báo điện tử Pháp luật và Xã hội… vv. Điều đó cho thấy, chiếc áo pháp lý khoác lên VPCC đã quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn.

Sở dĩ Luật Công chứng năm 2014 không cho phép tồn tại thành viên góp vốn trong VPCC xuất phát từ quan điểm cho rằng, nếu trong VPCC có thành viên góp vốn sẽ không bảo đảm tính khách quan trong hoạt động công chứng, bởi những thành viên góp vốn có thể chi phối, điều khiển hoặc “ép” CCV thực hiện hành vi công chứng trái luật[8]. Chúng tôi cho rằng, nhận định nên trên là thiếu cơ sở khoa học bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Luật Công chứng năm 2014 quy định các nguyên tắc hành nghề công chứng mà mỗi CCV phải chấp hành đó là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Khách quan, trung thực; Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. CCV được xem là “thẩm phán phòng ngừa”, không thể chịu bất cứ áp lực, lý do gì làm ảnh hướng đến chất lượng của VBCC. Hơn nữa, CCV sẽ là người cuối cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về VBCC, CCV không thể vì sự chi phối, điều khiển hoặc chịu sức ép trái pháp luật để rồi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi đối với chính mình. Pháp Luật Công chứng của đa số các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ quy định CCV được phép hành nghề dưới hình thức làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho VPCC. Chúng ta không thể suy luận rằng CCV làm việc theo chế độ hợp đồng lao động sẽ không vô tư, không khách quan bởi sẽ chịu sự chi phối từ phía người sử dụng lao động, người sử dụng lao động sẽ “ép” người lao động – CCV thực hiện các hành vi công chứng trái luật. Quyền từ chối yêu cầu công chứng khi yêu cầu đó không đủ điều kiện để thụ lý là quyền cơ bản và quan trọng nhất đối với CCV trong quá trình hành nghề được pháp luật các nước trên thế giới ghi nhận.

Thứ hai: Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã xác định rất rõ địa vị pháp lý của thành viên góp vốn trong mô hình công ty hợp danh (thực chất là loại hình công ty hợp vốn đơn giản). Theo đó, thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty và chỉ có những quyền hạn nhất định. Các quy định này đã thiết lập cơ chế phòng ngừa việc can dự từ phía thành viên góp vốn đối với thành viên hợp danh trong hoạt động, quản lý, điều hành công ty. Trong công ty hợp vốn đơn giản, thành viên góp vốn thường bị “nép vế” trước các thành viên hợp danh[9].

Pháp luật quy định, VPCC chỉ được phép tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh với đầy đủ các đặc điểm của công ty đối nhân, các CCVHD chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về nghĩa vụ tài sản của VPCC. Mọi sai lầm từ bất cứ CCVHD nào đều làm cho các CCVHD khác phải liên đới chịu trách nhiệm[10]; CCVHD chỉ có thể thoái thác trách nhiệm nếu CCVHD khác đã vượt quá thẩm quyền đại diện[11].  Nguyên tắc của hợp danh là bình đằng giữa các thành viên hợp danh trong quan hệ đối nội cũng như quan hệ đối ngoại. Nói cách khác, loại hình công ty hợp danh không tồn tại thành viên hợp danh này có nhiều quyền hơn thành viên hợp danh khác; không thể có hiện tượng thành viên hợp danh này phải chịu sự điều hành, giám sát từ các thành viên hợp danh khác. Hơn nữa, việc thiết lập cơ chế giám sát sự chấp hành pháp luật, tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề đối với CCV là rất khó, không nói là không thể thực hiện được và điều đó có nghĩa CCVHD phải gánh chịu rủi ro do từ các CCVHD khác trong VPCC.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, có thể phát sinh mâu thuẫn nội bộ giữa các CCVHD, một trong các CCVHD hoàn toàn có thể câu kết với người thứ ba để chủ động tạo ra tình huống làm phát sinh trách nhiệm “bồi thường giả tạo” đối với VPCC, nhằm tạo sức ép và gây thiệt hại cho CCVHD hành nghề chân chính. Chính vì vậy, rủi ro đối với CCVHD trong mô hình VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh luôn hiện hữu, điều mà không phải CCV nào cũng sẵn sàng chấp nhận. Dưới đây chúng tôi đưa ra ví dụ minh họa để minh chứng cho sự bất hợp lý của việc không thừa nhận thành viên góp vốn tại VPCC.

CCV Chuẩn Chỉ và CCV Bất Cần thỏa thuận hợp danh để thành lập VPCC. Theo đó, mỗi người góp 500 triệu để mua sắm tài sản và trang thiết bị cho VPCC, CCV Chuẩn Chỉ giữ chức Trưởng văn phòng, tên gọi của văn phòng là Văn phòng công chứng Chuẩn Chỉ. VPCC Chuẩn Chỉ đi vào hoạt động được một thời gian không lâu thì phát sinh mâu thuẫn giữa CCV Chuẩn Chỉ và CCV Bất Cần do bất đồng về cách thức quản lý, điều hành VPCC cũng như quan điểm hành nghề và vận dụng pháp luật. Đã nhiều lần CCV Chuẩn Chỉ sử dụng tư cách Trưởng VPCC chỉ đạo văn thư không đóng dấu các VBCC do CCV Bất Cần thực hiện vì cho rằng CCV Bất Cần đã không tuân thủ nguyên tắc hành nghề, vi phạm pháp luật. Ngược lại, CCV Bất Cần không đồng ý với cách hành xử của CCV Chuẩn Chỉ vì cho rằng các thành viên hợp danh có quyền bình đẳng trong việc quản lý, điều hành VPCC nhất là hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, CCV phải chịu trách nhiệm đối với VBCC do mình thực hiện. Ngoài ra,CCV Bất Cần còn không đồng ý để CCV Chuẩn Chỉ tiếp tục giữ chức Trưởng VPCC, và đưa ra yêu cầu việc giữ chức trưởng VPCC sẽ do các CCVHD luân phiên đảm nhiệm theo niên hạn.

Mâu thuẫn giữa CCV Chuẩn Chỉ và Bất Cần rất trầm trọng, CCV Chuẩn Chỉ cho rằng nếu tiếp tục hợp danh với CCV Bất Cần thì rủi ro là rất lớn và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là điều không thể tránh khỏi. CCV Chuẩn Chỉ và CCV Bất Cần họp để tìm phương án giải quyết. CCV Chuẩn Chỉ đưa ra các phương án như sau:

– Phương án thứ nhất: CCV Bất Cần chuyển nhượng 50% phần vốn góp cho CCV do CCV Chuẩn Chỉ chỉ định và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh tại VPCC Chuẩn Chỉ;

– Phương án thứ hai: CCV Chuẩn Chỉ chuyển nhượng 50% vốn góp của mình cho CCV thứ ba do CCV Chuẩn Chỉ tìm kiếm để rút tên khỏi danh sách CCVHD tại VPCC Chuẩn Chỉ;

– Phương án thứ ba: CCV Chuẩn Chỉ chuyển nhượng 50% phần vốn góp của mình cho CCV Bất Cần hoặc người thứ ba do CCV bất Cần chỉ định để rút tên khỏi danh sách CCVHD tại VPCC Chuẩn Chỉ.

Trước các phương án nêu trên, CCV Bất Cần không đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác vì muốn tiếp tục hành nghề nên phương án thứ nhất đã bị loại trừ; CCV Bất Cần cũng không đồng ý với phương án thứ hai vì cho rằng không thể hợp danh với người thứ ba do CCV Chuẩn Chỉ tìm kiếm mà mình không quen biết; trong khi phương án thứ ba thì CCV Bất Cần lại không có tiềm lực tài chính và cũng không thể tìm kiếm được người nhận chuyển nhượng 50% vốn góp của CCV Chuẩn Chỉ. Cuối cùng, do mâu thuẫn không được giải quyết dẫn tới VPCC Chuẩn Chỉ lâm vào tình trạng buộc phải chấm dứt hoạt động.

Từ tình huống nêu trên chúng ta thấy, nếu như pháp luật cho phép VPCC hoạt động theo các loại hình công ty hợp danh hữu hạn (còn gọi là công ty hợp vốn đơn giản), công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân thì VPCC Chuẩn Chỉ có thể thực hiện việc chuyển đổi hình thức pháp lý từ công ty hợp danh sang một loại hình công ty phù hợp mà không buộc phải chấm dứt hoạt động. Trường hợp VPCC được phép hoạt động theo loại hình công ty hợp vốn đơn giản, trong VPCC sẽ có hai loại thành viên đó là: thành viên nhận vốn và thành viên góp vốn. Thành viên nhận vốn sẽ có tư cách thương nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của VPCC trên cương vị của CCVHD; thành viên góp vốn, không có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp vào VPCC; thành viên góp vốn có thể đăng ký hành nghề tại VPCC của chính mình với tư cách như các CCV làm việc theo hợp đồng lao động. Thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng hoặc để lại thừa kế phần vốn góp của mình cho người khác mà không ảnh hưởng tới sự tồn tại của VPCC. Trường hợp VPCC được tổ chức và hoạt động dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, các thành viên của VPCC sẽ chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp. Điều này không có nghĩa sẽ giới hạn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do hành vi của CCV gây ra; ngược lại, CCV với tư cách là chủ thể của hành vi trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp, vô hạn trước người sử dụng dịch vụ công chứng. VPCC cũng hoàn toàn có thể hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân như Luật Công chứng năm 2006 đã từng quy định, VPCC do một CCV làm chủ không thể đồng nhất với VPCC có duy nhất một CCV hành nghề.

Có quan điểm cho rằng, một số lĩnh vực, ngành nghề mà sản phẩm cung ứng ra xã hội có thể gây rủi ro lớn cho cộng đồng, cho người sử dụng thì cần phải được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh như các dịch vụ: luật sư, khám chữa bệnh, tư vấn xây dựng, kế toán, kiểm toán …vv. Khi tìm hiểu pháp luật thực định điều chỉnh các lĩnh vực nêu trên ở nước ta hiện nay, chúng tôi nhận thấy pháp luật đều cho phép nhà đầu tư được tự do lựa chọn các hình thức pháp lý đó là: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh.

Qua nghiên cứu, phân tích thực trạng pháp luật liên quan tới hình thức tổ chức và hoạt động của của VPCC, chúng tôi có những nhận định cơ bản sau:

Thứ nhất, Luật Công chứng năm 2014 chỉ cho phép VPCC được tổ chức và hoạt động dưới loại hình công ty hợp danh đã làm hạn chế quyền tự do lựa chọn loại hình doanh nghiệp đối với CCV, không phù hợp với xu thế chung của các nước theo mô hình hành nghề công chứng tự do. Quy định này cũng đã làm hạn chế việc triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng một cách sâu rộng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa;

Thứ hai, Luật Công chứng năm 2014 không thừa nhận thành viên góp vốn trong VPCC thể hiện tính chủ quan của nhà làm luật, không phản ánh đúng tồn tại khách quan vốn có của đời sống xã hội. Hơn nữa, việc không thừa nhận thành viên góp vốn trong VPCC lại là nguyên nhân làm cho hệ thống VPCC hoạt động thiếu tính bền vững. VPCC hoàn toàn có thể được tổ chức và hoạt động dưới các loại hình công ty hợp danh hữu hạn. Trường hợp VPCC chỉ còn một CCVHD do có CCVHD bị chết hoặc CCVHD bị miễn nhiệm thì hình thức pháp lý của VPCC sẽ được chuyển từ công ty hợp danh sang công ty hợp danh hữu hạn; tư cách thành viên của CCVHD bị chết hoặc bị miễn nhiệm sẽ được chuyển thành tư cách của thành viên góp vốn; lợi ích kinh tế của những người thừa kế, của CCV bị miễn nhiệm được đảm bảo; VPCC tiếp tục được duy trì mà không bị chấm dứt hoạt động; cộng đồng không bị “hụt hẫng” khi thấy VPCC “biến mất”.

Thứ ba, Luật Công chứng năm 2014 chỉ cho phép VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, CCVHD phải chịu trách nhiệm liên đới, vô hạn đối với khoản nợ của VPCC; khi có CCVHD bị chết hoặc bị miễn nhiệm dẫn tới VPCC sẽ phải chấm dứt hoạt động mà không thể chuyển giao, bởi khó có ai lại đồng ý tiếp nhận VPCC để phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường vô hạn đối với những thiệt hại đã phát sinh trước đó. Điều này tác động trực tiếp tới sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức hành nghề công chứng, vốn là yêu cầu tối cần thiết trong hoạt động công chứng;

Trong nền kinh tế thị trường, quyền tự do kinh doanh trong đó có quyền tự do lựa chọn loại hình doanh nghiệp, tự do lựa chọn đối tác cần phải được ghi nhận và mở rộng ở mức tối đa nếu điều đó không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của chủ thể khác trong xã hội, không xâm phạm tới lợi ích của cộng đồng. Hoạt động công chứng cũng không phải ngoại lệ, bên cạnh loại hình công ty hợp danh, pháp luật cần ghi nhận CCV có quyền lựa chọn loại hình: công ty hợp vốn đơn giản, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân để áp dụng đối với VPCC. Đối với loại hình công ty cổ phần, mang đặc trưng của công ty đại chúng, chúng tôi cho rằng loại hình công ty này không phù hợp để áp dụng đối với VPCC./.


[1] Ngô Huy Cương (2009), “Khái niệm công ty hợp danh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (11/(148)), tr. 23- 26.

[2] Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, Báo cáo Số: 105/BC-BTP, ngày 13  tháng 5  năm 2013

[3] Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, Báo cáo Số: 105/BC-BTP, ngày 13  tháng 5  năm 2013

[4] http://www.baomoi.com/van-phong-cong-chung-dong-da-nhan-gop-von-co-sai-luat/c/2877594.epi, truy cập ngày 01/5/2019.

[5] https://baomoi.com/gop-von-vao-vpcc-tu-luat-chua-du-lieu-kho-giai-quyet-tranh-chap/c/2866636.epi, truy cập, ngày 10/4/2014.

[6] http://baoapbac.vn/ban-doc/201504/van-phong-cong-chung-my-tho-dong-cua-do-dau-604893/, truy cập ngày 29/4/2015.

[7] https://phapluatxahoi.vn/dang-sau-nhung-rac-roi-tai-van-phong-cong-chung-hung-quang-141578.html, truy cập ngày 01/12/2018.

[8] Ủy ban thường vụ Quốc hội (2014), “Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi)”, Báo cáo số: 649/BC-UBTVQH13, ngày 12/5/2014.

[9] Điều 182 Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

[10] Điểm đ khản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

[11] Phạm Duy Nghĩa (2006), “Sự thay đổi trong pháp luật công ty CHLB Đức và so sánh với pháp luật công ty Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (7/(79)), tr.54-57,60.

___________________________