Về khoản tiền phúng viếng đám tang mà tang quyến thu được có người lại hiểu đó cũng được xem như di sản thừa kế của người chết. Cách hiểu này phản ánh ý chí chủ quan trái với pháp luật thừa kế.

PGS.TS. PHÙNG TRUNG TẬP
(Trường Đại học Luật Hà Nội)

Về phong tục, tập quán của đại bộ phận cộng đồng dân cư ở nước ta từ xưa đến nay, theo tinh thần trợ giúp nhau khi gặp những điều không may xảy ra đối với cá nhân, gia đình nào đó là tiền phúng, viếng người chết.

Khi một người qua đời, những người thân thích của người đó hoặc tổ chức từ thiện làm lễ mai táng cho người đó và những người thuộc quan hệ thân bằng, cố hữu, bạn bè, họ hàng, các con, các cháu của người chết… đến viếng và vĩnh biệt người chết bằng vòng hoa tang, bằng tiền và các lễ vật khác theo phong tục. Khoản tiền phúng viếng của những người đến chia buồn cùng gia đình người có tang, nhiều hay ít cũng là tài sản xác định được như tiền (VND), ngoại tệ, lễ vật… với mục đích chia buồn cùng tang gia. Khoản tiền phúng viếng mà gia đình người có tang nhận được trong nhiều trường hợp rất lớn. Thực tế cho thấy, những người đến phúng viếng người chết, phần đông là thân quen và biết danh tính của người chết và đến vì nghĩa vì tình “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng cũng không ít người do đến phúng viếng người chết vì mưu lợi riêng, có mối quan hệ công tác, quan hệ dân sự, thương mại với người là con, cháu, anh, chị, cha, mẹ… của người chết. Nhân cơ hội đến phúng viếng người thân thích của người có ảnh hưởng trực tiếp đến mưu lợi lớn của mình, có thể là địa vị cao trên lĩnh vực công tác, có lợi trên lĩnh vực kinh doanh mà buộc phải ra mắt bằng cách đến viếng để sau đó có cơ hội nhờ cậy việc này, việc khác. Như vậy, động cơ đến phúng viếng của một số người nêu trên đã không còn đúng nghĩa của việc chia buồn với tang chủ và xét ở một khía cạnh nào đó thì hành vi lợi dụng hoàn cảnh bối rối của tang chủ để mưu lợi riêng thật sự thiếu lành mạnh và không trong sáng. Đây là vấn đề xã hội đã và đang làm cho nhiều người có lương tâm thật sự đau lòng.

Về khoản tiền phúng viếng đám tang mà tang quyến thu được có người lại hiểu đó cũng được xem như di sản thừa kế của người chết. Cách hiểu này phản ánh ý chí chủ quan trái với pháp luật thừa kế.

Chúng tôi dựa trên cơ sở pháp lí bằng việc xác định thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản. Biết rằng, toàn bộ quyền và nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại chỉ tính đến thời điểm mở thừa kế của người đó. Khoản tiền phúng viếng không thể được coi là di sản thừa kế của người chết, vì những căn cứ sau:

Di sản thừa kế của một người là toàn bộ tài sản của người đó khi còn sống có quyền sở hữu và khi người này chết thì tài sản đó là di sản thừa kế, sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại theo quy định tại Điều 683 BLDS. Nhưng khoản tiền phúng viếng nhân sự kiện người chết không thể là di sản của người chết đó để lại.

Theo phong tục, tập quán trong nhân dân thì tiền điếu phúng đám tang với mục đích chính là để cho tang chủ mua hương, lễ vật để thờ cúng người chết và nó thể hiện tấm lòng của những người phúng viếng đối với người đã chết. Sự tinh tế này của phong tục được mọi người trong xã hội mặc nhiên thừa nhận và tuân theo, không cần bàn luận thêm. Đây còn được coi là nét văn hoá trong cách xử sự của các thành viên trong cộng đồng dòng họ và dân cư đồng thời bản sắc văn hoá này cũng là phương thức hữu hiệu nhằm chia sẻ khó khăn tức thời đối với tang chủ không những về tình cảm mà còn là vật chất. Tuy nhiên, không thể coi tiền phúng viếng là di sản và không nên đặt vấn đề chia khoản tiền đó. Khoản tiền phúng viếng nhằm để mua lễ vật thờ cúng người đã chết và nó được những người thân thích của người chết thoả thuận về việc sử dụng khoản tiền đó vào việc thờ cúng. Trong đời sống xã hội, những người thân thích của người chết có thể thoả thuận chia nhau khoản tiền đó nhưng pháp luật không thể quy định về việc chia tài sản đó theo những điều kiện và trình tự nào, vì khoản tiền đó không phải là di sản của người chết, không phải là hoa lợi, lợi tức có từ di sản mà khoản tiền đó có được do phong tục, tập quán của cộng đồng và trong chừng mực nào đó có thể coi khoản tiền này có được là do các thành viên của cộng đồng đã thực hiện nghĩa vụ tự nhiên (do lương tâm chi phối), không thành văn, vì việc không thực hiện nghĩa vụ tự nhiên này cũng không chịu trách nhiệm pháp lí nhưng nếu ai vi phạm thì bị mọi thành viên khác trong cộng đồng phán xét về lương tâm của người đó mà thôi.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, các con, các cháu và những người thân thích khác của người chết đã dùng khoản tiền phúng viếng đó để thanh toán các chi phí cho tang lễ người chết, phần còn thiếu họ đóng góp thêm, phần còn dư họ để mua sắm các đồ tế lễ phục vụ việc thờ cúng hoặc dùng để xây mộ, nhà thờ cho người chết. Những người thân thích của người chết thực hiện các hành vi theo thoả thuận, theo ý chí của mình nếu không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì đó là những hành vi hợp pháp. Việc những người thân thích của người chết chia nhau khoản tiền phúng viếng không thể hiểu là họ chia nhau di sản thừa kế của người chết với những căn cứ chúng tôi đã phân tích. Từ những lập luận và phân tích trên, có thể khẳng định tiền phúng viếng mà tang gia thu được nhân sự kiện người trong gia đình chết không phải là di sản thừa kế của người đó. Khoản tiền điếu phúng mà tang chủ có được là dựa trên phong tục và coi đó như sự giúp đỡ tang chủ hoặc thể hiện tình cảm với người đã chết và tang chủ, khoản tiền đó được dùng vào mục đích mua sắm phẩm vật cúng người đã chết.

___________________________