Hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Tư pháp là không đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan này. Thậm chí việc làm rõ luật nội dung thuộc phạm vi của việc giải thích luật và các cơ quan giải thích luật chứ không phải của Sở Tư pháp.
Lâu nay, mỗi khi gặp những vướng mắc về chuyên môn trong hoạt động công chứng, một số Tổ chức hành nghề công chứng thường gửi văn bản hỏi ý kiến Sở Tư pháp để xin hướng dẫn. Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố cũng đã có những văn bản trực tiếp hướng dẫn đối với các Tổ chức hành nghề công chứng trong nhiều trường hợp cụ thể.Một số trường hợp Sở Tư pháp tiếp tục gửi công văn để hỏi ý kiến Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư Pháp. Những giải đáp (nếu có) sẽ được các Công chứng viên dùng làm căn cứ để xử lý các tình huống tương tự, thậm chí, được sử dụng để giải thích với cơ quan thuế, Tài nguyên môi trường, các UBND…
Sẽ không có gì để nói nếu những hướng dẫn này là chính xác và đúng thẩm quyền, tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Đã có những hướng dẫn sai quy định của pháp luật, thậm chí văn bản hướng dẫn trước mâu thuẫn với văn bản hướng dẫn sau trong cùng một tình huống. Đã có trường hợp mỗi địa phương hướng dẫn một kiểu, mỗi cơ quan hướng dẫn một kiểu mà cuối cùng cũng không biết ai đúng, ai sai. Cũng có những trường hợp làm theo hướng dẫn nhưng ra tòa lại…bị xử thua…Vậy hiểu thế nào về câu chuyện hướng dẫn nghiệp vụ? phải chăng nó chính là giải thích luật? Liệu Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp có phải là cơ quan giải thích luật? Các cơ quan này có được hướng dẫn nghiệp vụ hay không? Phạm vi hướng dẫn đến đâu? Ai là người chịu trách nhiệm về hậu quả khi làm theo những hướng dẫn này?
Xuất phát từ nhu cầu đặt câu hỏi của Tổ chức hành nghề công chứng ta thấy rằng, Tổ chức hành nghề công chứng thường có 2 dạng vướng mắc thường gặp:
Dạng thứ nhất: Vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục công chứng, quy trình làm việc, đạo đức hành nghề công chứng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Dạng thứ hai: Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể liên quan đến nội dung giao dịch công chứng.
Nghiên cứu Nghị định 96/2017/NĐ-CP ngày 16/08/2017 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư Pháp, chỉ thấy quy định đối với mảng bổ trợ tư pháp như sau:
“Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, … hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên;”
Như vậy, phạm vi HƯỚNG DẪN ở đây chỉ là trong khâu tổ chức và hoạt động chứ không hề có hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Toàn bộ Nghị Định 96/2017/NĐ-CP chỉ có 4 nội dung, đó là:
– Hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác pháp chế…
– Hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động và thực hiện đánh giá tác động về thủ tục hành chính trong việc lập đề nghị xây dựng văn bản…
– Hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;
– Hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định 96/2017 thì Bộ Tư pháp không có chức năng hướng dẫn nghiệp vụ về công chứng.
Tiếp tục tìm hiểu một số văn bản quy đinh về chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp tại các văn bản: Quyết định 23/2015/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư Pháp thành phố Hà Nội; Quyết định số 32/2015/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, thì thấy rằng trong cả 2 văn bản này, mỗi văn bản chỉ có 3 nội dung quy định về hướng dẫn nghiệp vụ, đó là:
– Hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên;
– Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công chức Tư pháp – Hộ tịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã vê việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
– Hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá tài sản trong phạm vi Thành phố;
Hoàn toàn không tìm thấy chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho Công chứng viên hay Tổ chức hành nghề công chứng của Sở Tư pháp.
Thế nhưng, tại một số tỉnh, chính Sở Tư pháp lại dường như không nắm rõ vấn đề này. Một số lãnh đạo yêu cầu chuyên viên của Sở nghiên cứu, trả lời các câu hỏi, hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ cho các Tổ chức hành nghề công chứng. Không chỉ là các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động công chứng, rất nhiều vấn đề mang tính chuyên môn nghiệp vụ mà luật công chứng, Bộ luật dân sự và nhiều luật nội dung khác quy định cũng được Sở Tư pháp hướng dẫn. Điều này thực sự vô lý bởi lẽ:
– Chuyên viên của sở làm công tác quản lý chứ không phải làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, nếu xét về chuyên môn nghiệp vụ họ không thể đủ khả năng hướng dẫn cho Công chứng viên, những người được đào tạo chuyên nghiệp với yêu cầu rất cao và va chạm thường xuyên với công việc.
– Hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Tư pháp là không đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan này. Thậm chí việc làm rõ luật nội dung thuộc phạm vi của việc giải thích luật và các cơ quan giải thích luật chứ không phải của Sở Tư pháp.
– Hoạt động này ngốn đi một quỹ thời gian khá lớn của các chuyên viên Sở Tư pháp, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính của họ.
– Hướng dẫn của Sở Tư pháp có thể gây hiểu lầm, các chuyên viên, công chứng viên thậm chí coi đó như một căn cứ để áp dụng pháp luật, và tất nhiên, nếu họ làm theo hướng dẫn mà sai thì… họ sẽ đổ tại hướng dẫn của Sở.
Vậy cơ quan nào mới là cơ quan giải thích luật? Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: khoản 3 Điều 3 quy định thế nào là “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”; điểm a khoản 2 Điều 16 quy định loại văn bản ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (nghị quyết); Điều 158 quy định về các trường hợp và nguyên tắc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Điều 159 quy định về thẩm quyền đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Điều 160 quy định về trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Điều 161 quy định về đăng công báo, đăng tải và đưa tin nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Tiếp đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 tại Điều 49 cũng đã có quy định về vấn đề giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Có thể thấy, trong điều kiện Việt Nam, với thực trạng của hệ thống pháp luật và ý thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế thì nhu cầu giải thích pháp luật trở nên thật sự cần thiết và có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại rất ít khi sử dụng quyền giải thích của mình. Nó không trở thành hoạt động thường xuyên mà chỉ là hy hữu. Chính vì vậy, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất được trao quyền giải thích chính thức Hiến pháp, luật, pháp lệnh nhưng để giải quyết kịp thời nhu cầu thực tiễn đặt ra, các chủ thể khác (cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp) buộc phải thực hiện hoạt động giải thích pháp luật không chính thức. Thực trạng đó dẫn đến những vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý của các sản phẩm giải thích pháp luật đang được hiểu theo những cách không giống nhau.
Tuy nhiên, dù giá trị của các sản phẩm giải thích luật có được hiểu theo cách nào thì cuối cùng, Tòa án mới là người quyết định giá trị của nó trong từng vụ việc cụ thể và tòa án sẽ chỉ công nhận Ủy Ban thường vụ Quốc hội là chủ thể chính thức có quyền giải thích luật mà thôi. Do đó, dù có căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở tư pháp hay bất cứ cơ quan quản lý ngành nào thì cuối cùng Công chứng viên và Tổ chức hành nghề công chứng mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung pháp lý của giao dịch mà mình đã công chứng. Mọi hướng dẫn của các cơ quan quản lý hay các học viện, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia thì cũng chỉ có giá trị tham khảo chứ không có giá trị pháp lý.
Để giải quyết khoản trống về nghiệp vụ cho một bộ phận Công chứng viên và Tổ chức hành nghề công chứng, không ai khác ngoài Hội Công chứng viên các tỉnh, Hiệp hội Công chứng viên toàn quốc (sắp tới) sẽ là chỗ dựa tin cậy của các Công chứng viên và Tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, cũng đã có những cách giải quyết vướng mắc hợp lý và hiệu quả được áp dụng, ví dụ Sở Tư pháp Hà Nội ghi nhận những báo cáo, vướng mắc của các Tổ chức hành nghề công chứng, sau đó tổ chức các cuộc họp liên ngành Tư Pháp, Tài nguyên môi trường, Thuế… để phối hợp tháo gỡ các khó khăn và ra các thông báo thống nhất cách thức giải quyết từng trường hợp cụ thể. Thực tế cho thấy cách làm này phát huy hiệu quả rất tốt, cần được nhân rộng và thực hiện thường xuyên.
Về phía các Công chứng viên, cần chủ động tìm hiểu và nâng cao trình độ của mình, thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp về chuyên môn để cùng phản biện và cùng phòng tránh rủi ro, đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ mình và Tổ chức hành nghề công chứng của mình.