Tổ chức hành nghề công chứng chỉ nên là phương tiện hỗ trợ cho công chứng viên trong việc đồng chịu trách nhiệm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạch toán về thuế, phí và là đầu mối giúp công chứng viên thực hiện nghĩa vụ với nhà nước chứ không nên là cơ quan quản lý công chứng viên.

Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, quy hoạch công chứng bị bãi bỏ thì ngay lập tức đặt ra một thách thức lớn trong việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng là một nghề khá đặc biệt, cần sự điều tiết và quản lý chặt chẽ của nhà nước, khi quy hoạch bị bãi bỏ thì ở các địa phương, hoạt động thành lập văn phòng công chứng được vận động và thực hiện rầm rộ, sôi nổi.

Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực để kiểm soát việc thành lập mới các văn phòng công chứng; nhiều tỉnh, thành ban hành các tiêu chí thành lập mới văn phòng công chứng với những đòi hỏi rất khắt khe, nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi bịt chỗ này thì nó lại phình ra ở chỗ kia. Vậy bất cập nằm ở đâu?

Thứ nhất, Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý ngành, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bộ Tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống công chứng hoạt động có hiệu quả, có chất lượng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Hiệu quả quản lý của Bộ Tư pháp trong quản lý hoạt động công chứng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển số lượng các tổ chức hành nghề công chứng cũng như chất lượng của mỗi tổ chức này khi thành lập. Tuy nhiên, chìa khóa của hai vấn đề mấu chốt này lại nằm trong tay UBND các tỉnh, thành phố, thậm chí phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Quyết định cho ai thành lập Văn phòng công chứng, thành lập ở đâu, số lượng là bao nhiêu, tiêu chí như thế nào hoàn toàn thuộc quyền quyết định của  UBND các tỉnh, thành phố. Khoan hãy nói đến yếu tố lợi ích nhóm, nhưng chỉ riêng sự khác nhau về tư duy chỉ đạo của lãnh đạo cấp tỉnh thì đã dẫn đến những kết quả rất khác nhau trong việc quản lý hoạt động công chứng ở địa phương.

Thứ hai, liên quan đến tổ chức mô hình công chứng theo quy định của Luật Công chứng, dường như Việt Nam đang làm khác so với nhiều nước khác trên thế giới khi quy định về địa vị pháp lý của Tổ chức hành nghề công chứng. Tham khảo pháp luật về công chứng của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ … thì Tổ chức hành nghề công chứng chỉ là bộ máy giúp việc do công chứng viên lập ra để giúp việc cho công chứng viên chứ không phải là cơ quan quản lý công chứng viên. Chữ ký, con dấu cá nhân của công chứng viên mới là thứ quyết định giá trị pháp lý của văn bản công chứng chứ không phải là con dấu của Tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên xây dựng uy tín nghề nghiệp trên uy tín cá nhân của mình; cơ quan quản lý nhà nước về công chứng quản lý hoạt động công chứng thông qua công chứng viên chứ không phải thông qua tổ chức hành nghề công chứng. Cũng chính vì vậy, mô hình văn phòng công chứng hợp danh được áp dụng đúng với bản chất của nó và tạo nên sự ổn định nhiều năm đối với uy tín, tên tuổi của công chứng viên. Ở Việt Nam thì ngược lại, mặc dù Luật công chứng quy định công chứng viên cung cấp dịch vụ công do nhà nước ủy nhiệm thực hiện (Điều 3 LCC), chứ không phải là tổ chức hành nghề công chứng, thế nhưng tổ chức hành nghề công chứng lại là nơi quản lý công chứng viên (Khoản 1 Điều 33 LCC), thậm chí, văn bản công chứng buộc phải được đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng mới có giá trị pháp lý (Điều 46 LCC). Rõ ràng, khi bắt buộc phải đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng thì cũng đồng nghĩa với việc ai nắm giữ con dấu, người đó có vai trò quyết định trong hoạt động công chứng. Điều đó cũng cho thấy rằng chữ ký của công chứng viên chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện quyết định (vì công chứng viên này không ký thì công chứng viên khác có thể ký) đối với một giao dịch công chứng. Đây là nguyên nhân chính mà bất cứ ai cũng hướng tới việc kiểm soát con dấu của Tổ chức hành nghề công chứng.

Với tư duy rằng thành lập được Văn phòng công chứng mới quan trọng chứ công chứng viên thì thuê đâu chả được, rất nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, vận động hành lang để thành lập Văn phòng công chứng. Thực tế cho thấy, các điều kiện thành lập văn phòng công chứng càng khắt khe (theo quy định của các tỉnh) thì cơ hội để công chứng viên thực sự thành lập được Văn phòng công chứng của mình càng nhỏ, thậm chí là không thể. Qua tìm hiểu tiêu chí của một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai… thì thấy rằng để đáp ứng được những tiêu chí đó, công chứng viên cần phải bỏ ra chi phí rất lớn mới có thể đáp ứng được. Thậm chí, như Thành phố Hồ Chí Minh, công chứng viên Trưởng văn phòng gần như chỉ duy nhất một đối tượng đáp ứng được để đủ điểm số thành lập văn phòng, đó là các công chứng viên đang thuộc biên chế các phòng công chứng nhà nước và có thâm niên lâu năm. Thực tế đó dẫn đến hàng loạt hệ lụy như:

–  Chỉ có các doanh nghiệp, các cá nhân kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính… với tiềm tực kinh tế dồi dào mới có thể có đủ khả năng về tài chính để đầu tư, đáp ứng các tiêu chí thành lập văn phòng công chứng, còn công chứng viên chưa có việc làm thì gần như không còn bất cứ cơ hội nào ngoài việc tiếp tục đi làm thuê cho các chủ đầu tư.

–  Hiện tượng chảy máu chất xám ồ ạt diễn ra thời gian qua khi rất nhiều công chứng viên trong biên chế xin nghỉ để tham gia vào các đề án thành lập văn phòng công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh – nhưng thường thì một năm sau đó họ sẽ đi làm thuê cho các Văn phòng công chứng khác, hoặc tiếp tục tham gia thành lập các văn phòng công chứng tại các tỉnh khác.

Điều hiển nhiên là sau khi thành lập xong các văn phòng công chứng thì quyền kiểm soát con dấu sẽ thuộc về các chủ đầu tư và công chứng viên dần trở thành những công cụ phục vụ cho lợi ích của họ.

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?

Thứ nhất: Cần nghiên cứu giải pháp giảm bớt vai trò của Tổ chức hành nghề công chứng, trao quyền tự chủ cho công chứng viên.

–   Tổ chức hành nghề công chứng chỉ là điều kiện cần để công chứng viên hoạt động chứ không phải là điều kiện bắt buộc.

–  Tổ chức hành nghề công chứng chỉ nên là phương tiện hỗ trợ cho công chứng viên trong việc đồng chịu trách nhiệm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạch toán về thuế, phí và là đầu mối giúp công chứng viên thực hiện nghĩa vụ với nhà nước chứ không nên là cơ quan quản lý công chứng viên.

–   Con dấu của Tổ chức hành nghề công chứng không nên là điều kiện bắt buộc quyết định giá trị pháp lý của văn bản công chứng bởi chủ thể được ủy nhiệm cung cấp dịch vụ được xác định là công chứng viên chứ không phải tổ chức hành nghề công chứng. Ở nhiều quốc gia, con dấu đã không còn được sử dụng, ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng đã dần hòa nhập với thông lệ quốc tế theo hướng không bắt buộc sử dụng con dấu; không những vậy, khi giao dịch điện tử, chữ ký số được áp dụng phổ biến thì con dấu của Văn phòng công chứng cũng sẽ không còn phù hợp để tồn tại.

Thứ hai: Bộ Tư pháp chỉ nên tập trung quản lý công chứng qua hoạt động của công chứng viên chứ không cần quan tâm đến hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, bởi công chứng viên mới là đối tượng chính hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ và chịu trách nhiệm tuân thủ trực tiếp các quy định của pháp luật và cơ quan quản lý. Bộ Tư pháp hoàn toàn có thể kiểm soát việc bổ nhiệm, kiểm soát số lượng cấp phép hành nghề đối với công chứng viên căn cứ trên báo cáo thống kê nhu cầu thực tế của từng địa phương một cách công khai và mình bạch, thậm chí hoàn toàn chủ động, không phụ thuộc vào việc cấp phép hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Thứ ba: Có thể nghiên cứu giải pháp lưu trữ tập trung và cho phép các công chứng viên hoạt động độc lập trong phạm vi một số địa bàn khó khăn mà không cần phải thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Thứ tư: Giám sát, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên.

Thứ năm: Nghiên cứu phân cấp, hạng của công chứng viên dựa trên năng lực chuyên môn và mức độ tuân thủ pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, từ đó quy định giới hạn phạm vi và giá trị giao dịch mà công chứng viên đó được phép thực hiện dựa theo cấp, hạng của họ.

Bài viết mang ý kiến cá nhân, mong nhận được ý kiến của đồng nghiệp.

___________________________